I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Tản Đà trong SGK Ngữ văn 8 tập 1).
2. Tác phẩm
* Xuất xứ: Bài thơ Muốn làm thằng cuội nằm trong quyển Khối tình con I, xuất bản năm 1917.
* Thể thơ: Bài thơ Muốn làm thằng cuội được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú. Đây vốn là thể thơ thường được sử dụng để thể hiện những nội dung trang trọng. Tuy nhiên, với bài thơ này, giọng điệu ngông nghênh và tư tưởng bất đắc dĩ của tác giả lại trái ngược với tính chất của thể thơ này.
* Bố cục:
- Hai câu đề: Cuộc sống trần gian nhàm chán, buồn tẻ.
- Hai câu thực: Cõi mộng tưởng của tác giả
- Hai câu luận: Ước mơ thoát li khỏi thực tại
- Hai câu kết: Viễn cảnh cuộc sống hạnh phúc.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Hai câu thơ đầu là tiếng than và lời tâm sự của Tản Đà với chị Hằng. Tản Đà có tâm trạng "chán trần thế" là do ông cảm thấy bế tắc và bất hòa sâu sắc với xã hội lúc bầy giờ. Bởi xã hội ta thời đó rất tù hãm, uất ức, đất nước bị mất chủ quyền, người dân phải sống trong xã hội thực dân phong kiến tàn ác, bất nhân. Bên cạnh đó, Tản Đà còn buồn vì phận tài hoa mà lận đận, không đủ sức thay đổi hiện thực bi kịch.
Câu 2:
* Nhiều người đã nhận xét một cách xác đáng rằng, Tản Đà là một hồn thơ "ngông". "Ngông" ở đây chính là thái độ bất cần đời, dám làm những điều trái với lẽ thường mà không sợ người đời đàm tiếu, đó chính là thái độ phóng túng, coi thường khuôn phép.
* Cái "ngông" của Tàn Đà trong ước muốn được làm thằng cuội:
- Muốn thoát khỏi cõi trần buồn chán, xấu xa để lên cõi mộng
- Xưng hô suồng sã với chị Hằng, muốn được chị coi là bạn.
- Cách lên trời, lên trăng bộc lộ chất "ngông": muốn chị Hằng ghì cành đa xuống
- Câu 3 là sự ướm hỏi thì câu thơ thứ 4, Tản Đà tự tin về bản thân, khi lên được cung quế sẽ làm cho chị Hằng bớt lẻ loi, buồn tủi.
=> Tản Đà là một hồn thơ "ngông" giữa cái tỉnh và cái điên, giữa cõi thực và cõi mơ, thể hiện cá tính, thái độ của ông trước cuộc đời đầy bất công. Đặc biệt, phía sau cái "ngông" của ông chính là nhân cách hơn người.
Câu 3:
Hình ảnh cuối bài thơ : "Tựa nhau trông xuống thế gian cười". Cái cười ở đây mang nhiều ý nghĩa:
- Cười thể hiện niềm vui được thỏa mãn ước mơ lên cõi mộng tưởng
- Cười vì nhà thơ nhìn thấy thế gian ông từ bỏ vẫn là trần tục tầm thường, buồn chán
- Cười để thể hiện sự mỉa mai, giễu cợt khi Tản Đà ở vị trí cao hơn cõi trần ông đang sống.
Câu 4:
Những yếu tố nghệ thuật đã tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ:
- Trí tưởng tượng sáng tạo, tâm hồn bay bổng của nhà thơ
- Thể thơ thất ngôn bát cú mà lời thơ tự nhiên, giản dị, phóng khoáng
- Giọng điệu khi thì than thở, khi thì cầu xin, khi lại đắc ý làm cho bài thơ trở nên vui tươi, linh hoạt.
- Có những cách tân mới khi thể hiện cái "tôi", khác với những bài thơ Đường cổ điển.