I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả (mời các em tham khảo SGK Ngữ văn 6 Tập 2)
2. Tác phẩm
* Xuất xứ: Văn bản Lao xao được trích từ tác phẩm Tuổi thơ im lặng của nhà văn Duy Khán, được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1987.
* Tóm tắt:
Trời chớm vào hè, cây cối um tùm, tỏa ngát hương hoa, ong bướm nhộn nhịp bay nhảy. Thế giới của các loài chim ở đồng quê hiện lên sinh động với đa dạng các loài chim. Chim Bồ các thì to mồm, chị Điệp nhanh nhảu. Rồi cả sáo sậu, sáo đen, tu hú, chim ngói, chú chim nhạn hiền lành, gần gũi với con người. Bìm bịp thì lại suốt ngày rúc trong bụi cây, chim diều hâu hung ác đuổi bắt gà con, quạ lia lia láu láu dòm chuồng lợn, chim chèo bẻo kẻ cắp nhưng hung hăng, thích đánh nhau, đánh cả diều hâu lẫn quạ. Rồi có cả chim cắt hung dữ đến mức không một loài chim nào trị được thế mà bị chèo bẻo đánh cho ngắc ngoải.
* Bố cục:
Văn bản Lao xao có thể được chia làm 2 đoạn:
- Đoạn 1: từ đầu => "râm ran": Miêu tả cảnh làng quê lúc chớm hè
- Đoạn 2: còn lại: Miêu tả thế giới các loài chim.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
* Bài văn tả và kể về các loài chim ở làng quê theo trình tự từng nhóm loài gần nhau.
a) Những loài chim được nói đến trong bài văn: bồ các, chim ri, sáo sậu, sáo đen, tu hú, quạ đen, diều hâu, quạ khoang, bìm bịp, chim cắt, chèo bẻo.
b) Các loài chim hoàn toàn được sắp xếp theo từng nhóm loài gần nhau, cụ thể: nhóm chim hiền, nhóm chim dữ và lũ chim ác.
c) Có thể nhận xét, lời kể của tác giả trong bài văn rất tự nhiên. Cách tả mỗi con vật đều rất độc đáo, rất đặc trưng cho hoạt động của mỗi loài. Không những thế, cách xâu chuỗi hình ảnh và chi tiết rất hợp lý và bất ngờ. Đặc biệt, mặc dù mục đích chính của bài văn là miêu tả thiên nhiên, miêu tả về thế giới loài chim, nhưng cảm giác lý thú và tự nhiên mà người đọc cảm nhận được chính là nhờ cảnh đó được miêu tả qua con mắt và trí tưởng tượng của một cậu bé.
Câu 2:
a) Những loài chim được miêu tả:
- Chim Bồ các: tiếng kêu các các, vừa bay vừa kêu cứ như là bị ai đuổi đánh
- Diều hâu: có cái mũi khoằm, đánh hơi tinh lắm
- Chim cắt: cánh nhọn như dao bầu chọc tiết lợn
b) Tác giả kết hợp kể và tả trong môi trường sinh sống, trong những hoạt động của chúng và trong mối quan hệ với những loài khác:
- Chim Bìm bịp kêu thì chim ác mới ra mặt
- Nhạn vùng vẫy tít mây xanh "chéc chéc"
- Tu hú đến khi mùa vải chín, khi quả hết, nó bay đi đâu biệt
c) Qua việc miêu tả những loài chim, cho thấy tài quan sát của tác giả rất nhạy bén, tỉ mỉ, vốn hiểu biết phong phú về những loài chim ở làng quê. Đồng thời, chúng ta cũng cảm nhận được tình cảm yêu mến và gắn bó với thiên nhiên, với làng quê của tác giả. Đặc biệt hơn khi nhà văn vẫn giữ nguyên vẹn cho mình cái nhìn và những cảm xúc hồn nhiên của tuổi thơ khi kể và tả về thiên nhiên làng quê.
Câu 3:
Trong bài có sử dụng nhiều chất liệu văn hóa dân gian như thành ngữ, đồng dao, truyện cổ tích:
- Thành ngữ: Kẻ cắp gặp bà già; Dây mơ, rễ má; Lia lia láu láu như quạ vào chuồng lợn
- Đồng dao: Bồ các là bác chim ri. Chim ri là dì sáo sậu. Sáo sậu là cậu sáo đen. Sáo đen là em tu hú. Tu hú là chú bồ các...
- Truyện cổ tích: Sự tích chim bìm bịp, sự tích chim chèo bẻo
Cách cảm nhận đậm chất dân gian về những loài chim trong bài đã tạo nên sự sinh động trong lời kể, giúp cho mạch văn phát triển một cách tự nhiên và gần gũi với con người. Tuy nhiên, trên thực tế, những quan niệm dân gian ấy, bên cạnh nét hồn nhiên, chất phác, nét tự nhiên, gần gũi, thì không phải không có những hạn chế của cách nhìn mang tính định kiến và thiếu căn cứ khoa học. Ví dụ như từ sự tích chim bìm bịp mà cho rằng chỉ khi con chim này kêu thì những loài chim ác, chim dữ mới xuất hiện,...
Câu 4:
Bài văn Lao xao đã mang đến cho em những hiểu biết rất thú vị về các loài chim. Cho em hiểu rõ hơn về đặc điểm, tập tính, hình dáng của một số loài chim mà em chưa biết tới. Qua đó, giúp cho mỗi chúng ta ý thức hơn trong việc giữ gìn và trân trọng những vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh sắc quê hương Việt Nam.