I. Về thể loại
Văn bản Sự tích Hồ Gươm thuộc thể loại truyền thuyết, với những đặc điểm như sau:
- Bài văn thuộc loại truyện dân gian, kể về những nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử trong thời quá khứ
- Truyện thường xuất hiện những yếu tố tưởng tượng, kỳ ảo
- Thể hiện thái độ, quan điểm và các đánh giá của nhân dân đối với những nhân vật, những sự kiện được kể
II. Tóm tắt truyện
Vào thời giặc Minh đô hộ nước ta, Lê Lợi đã cho quân dựng cờ khởi nghĩa tại Lam Sơn, nhưng ban đầu, do thế lực ta vẫn còn yếu nên thường bị thua. Khi đó, Đức Long Quân đã quyết định cho nghĩa quân mượn gươm thần để giết giặc.
Tại Thanh Hóa thời đó, có một người dân đánh cá tên là Lê Thuận, cả 3 lần anh đi kéo lưới đều kéo được 1 thanh sắt, nhưng nhìn kỹ mới phát hiện ra là một thanh gươm. Sau đó một thời gian, Lê Lợi bị giặc đuổi, chạy vào rừng và bắt được chuôi gươm nạm ngọc trên cây đa, đem vào tra với lưỡi gươm ở nhà Lê Thuận thì vừa như in, từ đó mọi người mới biết là gươm thần.
Kể từ sau khi có gươm thần, nghĩa quân Lam Sơn đánh đâu thắng đấy, cuối cùng cũng đánh tan được giặc Minh, giữ yên bờ cõi. Một hôm, Lê Lợi đi thuyền dạo quanh hồ Tả Vọng, Đức Long Quân sai Rùa Vàng lên đòi lại gươm thần. Và kể từ đó, hồ Tả Vọng được gọi là Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm như ngày nay.
III. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Lý do Đức Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần là vì: cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh là cuộc khởi nghĩa hợp lòng dân. Nhưng ban đầu, thế lực của nghĩa quân còn yếu nên gặp nhiều thất bại. Chính vì thế, Đức Long Quân đã quyết định cho nghĩa quân mượn gươm thần để giệt giặc.
Câu 2:
*Cách Long Quân cho Lê Lợi mượn gươm thần:
- Anh chàng Lê Thận đánh cá bắt được lưỡi gươm dưới nước. Sau đó, chàng gia nhập nghĩa quân khởi nghĩa Lam Sơn, lưỡi gươm khi gặp Lê Lợi thì phát sáng lên 2 chữ "Thuận Thiên", mọi người đều không biết đó là báu vật.
- Trong một lần chạy giặc, Lê Lợi phát hiện thấy chuôi gươm nạm ngọc nên đã lấy mang về, tra với lưỡi gươm ở nhà Lê Thuận thì hoàn toàn vừa khớp.
*Cách Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn và Lê Lợi mượn gươm có ý nghĩa nói về sức mạnh toàn dân tộc:
- Lê Lợi là chủ tướng thì phát hiện được chuôi gươm
- Lê Thuận là người đánh cá thì phát hiện được lưỡi gươm
- Gươm phát sáng là biểu tượng cho dân tộc trên dưới đồng lòng, chắc chắn sẽ tạo nên sức mạnh đánh đuổi quân xâm lược, cứu nước
- Từ "Thuận Thiên" là ý muốn của nhân dân muốn Lê Lợi làm minh chủ trong cuộc kháng chiến này
Câu 3:
Sức mạnh của gươm thần đối với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:
Từ sau khi có gươm thần, sức mạnh của nghĩa quân đã được nhân lên gấp bội. Thanh gươm tung hoành khắp các trận địa, làm cho quân Minh bạt vía, đồng thời, uy thế của nghĩa quân vang khắp nơi. Chính gươm thần đã mở đường cho nghĩa quân đánh tràn ra mãi, cho đến khi nào không còn một bóng quân xâm lược nào trên đất nước ta.
Câu 4:
*Long Quân cho rùa vàng lên đòi lại gươm sau khi cuộc khởi nghĩa đã hoàn toàn chiến thắng, đất nước đã thái bình, cuộc sống nhân dân đã ấm no.
*Diễn biến cảnh đòi gươm và trả gươm: Khi ấy, vua Lê Lợi đang dạo chơi trên hồ Tả Vọng, Rùa Vàng nhô lên, gươm thần đeo bên người nhà vua động đậy, Rùa Vàng nói: "Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân !". Vua rút gươm nâng về phía Rùa Vàng, Rùa Vàng ngậm lấy và lặn xuống nước.
Câu 5:
Ý nghĩa của truyện Sự tích Hồ Gươm:
- Đầu tiên, truyện có ý nghĩa giải thích tên gọi Hồ Gươm (hay còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm) hiện nay. Đồng thời, nhân dân ta cũng muốn nói lên tính chất chính nghĩa hợp lòng trời, được lòng dân trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trong lịch sử nước ta
- Truyện còn góp phần đề cao tài năng lãnh đạo, vai trò quan trọng của Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ông được nhân dân ủng hộ, hết lòng vì đất nước, mang lại bình yên cho nhân dân
- Ngoài ra, truyện cũng thể hiện khát vọng của quần chúng nhân dân là được sống trong hòa bình, tự do, hạnh phúc
Câu 6:
*Truyền thuyết của nước ta cũng có hình ảnh Rùa Vàng là "Mị Châu - Trọng Thủy"
*Theo em, hình tượng Rùa Vàng trong truyền thuyết là tượng trưng cho sức mạnh, cho nguyện vọng và cho công lý của nhân dân. Riêng trong truyện Sự tích Hồ Gươm, Rùa Vàng còn có ý nghĩa đề cao, gây tranh thế cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và củng cố uy thế cho vua Lê sau khởi nghĩa.