Xin chào các em! Trong bài trước, Soạn Văn đã giới thiệu với các em bài soạn: Bánh chưng, Bánh giầy. Và trong bài này, chúng ta cùng nhau soạn bài Thánh Gióng các em nhé!
I. Về thể loại
Văn bản Thánh Gióng thuộc thể loại truyền thuyết, đặc điểm của thể loại này như sau:
- Bài văn thuộc thể loại truyện dân gian, kể về những nhân vật và sự kiện lịch sử thời quá khứ
- Là tác phẩm nghệ thuật truyền miệng nên thường có nhiều yếu tố tưởng tượng, kỳ ảo
- Văn bản thường thể hiện thái độ, quan điểm cũng như cách đánh giá của nhân dân đối với những nhân vật và sự kiện lịch sử được kể
II. Tóm tắt
Vào đời Hùng Vương thứ 6, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão chăm chỉ làm ăn nhưng mãi không có con. Một hôm, bà vợ ra đồng, thấy một vết chân to, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử. Không ngờ, về nhà bà thụ thai và 12 tháng sau sinh ra một cậu bé khôi ngô tuấn tú. Nhưng kỳ lạ, lên 3 tuổi mà cậu vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi.
Lúc bấy giờ, nước ta đang bị giặc Ân xâm phạm bờ cõi, cậu bé bỗng cất tiếng nói và xin nhà vua đi đánh giặc cứu nước. Từ đó, cậu lớn bổng lên, ăn bao nhiêu cơm cũng không thấy no, áo vừa mặc xong đã đứt chỉ. Sau khi ăn hết số gạo do bà con quyên góp, cậu bé vùng dậy, vươn vai và trở thành một tráng sĩ mình mặc áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt và cầm roi sắt xông ra đánh giặc. Roi gãy, cậu bèn nhổ tre bên đường quật vào giặc.
Sau khi đánh tan giặc, cậu lên đỉnh núi, cởi áo giáp sắt bỏ lại và một mình một ngựa bay lên trời. Từ đó, nhân dân lập đền thờ để tưởng nhớ. Những ao hồ, những bụi tre ngà đều là những dấu tích do trận đánh của Thánh Gióng năm xưa.
III. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Trong truyền thuyết Thánh Gióng, xuất hiện nhiều nhân vật:
- Nhân vật chính là Thánh Gióng
- Nhân vật phụ bao gồm: vợ chồng ông lão nghèo - cha mẹ của Gióng, nhà vua, sứ giả triều đình, dân làng
Nhân vật chính được xây dựng bằng rất nhiều chi tiết tưởng tượng, kỳ ảo và giày ý nghĩa, những chi tiết đó là:
- Bà mẹ đặt bàn chân vào vết chân to đã thụ thai, mang thai 12 tháng mới sinh, cậu bé sinh ra đến 3 tuổi mà không biết nói, biết cười, cũng không biết đi
- Nghe tin đất nước bị xâm phạm bờ cõi, cậu bé đã cất tiếng nói và đòi đi đánh giặc, bỗng lớn nhanh như thổi, vươn lên thành dũng sĩ
- Đánh tan giặc và cưỡi ngựa bay về trời
Câu 2:
Các chi tiết trong truyện đều thể hiện rất nhiều ý nghĩa:
a) Tiếng nói đầu tiên của chú bé lên ba là tiếng nói đòi đánh giặc: chi tiết này thể hiện ý chí chống giặc cứu nước của dân tộc ta. Khi giặc đến, dù là đàn ông hay đàn bà, người già hay trẻ nhỏ đều sẵn sàng cầm vũ khí đánh giặc cứu nước. Và đây cũng là ý thức thường trực và cao cả trong mỗi người con đất Việt.
b) Gióng đòi ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để đánh giặc: Gióng không đòi đồ chơi như những đứa trẻ khác, cậu đòi những vũ khí, những vật dụng để đánh giặc. Đây là những vũ khí tốt nhất, thể hiện ý chí quyết tâm sẵn sàng bảo vệ bờ cõi.
c) Bà con làng xóm sẵn sàng góp gạo nuôi cậu bé: chi tiết này thể hiện Gióng là đứa con của nhân dân, được nhân dân nuôi lớn, đồng thời, thể hiện sức mạnh của nhân dân là sức mạnh của cộng đồng, sức mạnh của tinh thần đồng sức, đồng lòng.
d) Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ: đây cũng là chi tiết thể hiện sức mạnh của nhân dân. Khi hòa bình, họ là những con người hết sức bình thường, nhưng khi có giặc đến, chính sự đoàn kết đã hóa thành sức mạnh phi thường vùi chôn giặc.
đ) Gậy sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường đánh giặc: đây là một chi tiết rất hay của truyền thuyết Thánh Gióng. Gậy sắt là vũ khí đánh giặc thông thường của người anh hùng, nhưng khi cần thì cả cây cỏ bên đường cũng có thể trở thành vũ khí.
e) Gióng đánh giặc xong, cởi áo giáp sắt để lại và bay thẳng về trời: Gióng cũng chính là biểu tượng cho nhân dân, đánh giặc vì căm thù giặc, vì lòng yêu nước chứ không phải vì những vinh hoa phú quý.
Câu 3:
Ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng là:
Thánh Gióng chính là biểu tượng cho người anh hùng chống giặc ngoại xâm. Gióng được sinh ra và lớn lên, được nuôi dưỡng bởi nhân dân. Gióng đã chiến đấu bằng tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc của nhân dân. Sức mạnh của Gióng cũng chính là sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Đồng thời, đó còn là sức mạnh của sự kết hợp giữa con người với thiên nhiên, của vũ khí thô sơ và hiện đại.
Hay nói cách khác, từ truyền thống đánh giặc cứu nước và ý chí quật cường, nhân dân ta đã thần thánh hóa những người anh hùng trở thành những nhân vật huyền thoại để gửi gắm thông điệp về lòng yêu nước, ý chí quyết tâm đánh tan quân xâm lược.
Câu 4:
Truyền thuyết thường liên quan đến những sự thật lịch sử. Truyện Thánh Gióng liên quan đến sự thật lịch sử trong thời đại Hùng Vương.
- Trong thời đại đó, nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước đã khá phát triển, người dân Văn Lang lúc bấy giờ đã tạo nên một nền văn minh rực rỡ, đồng thời cũng luôn phải chống giặc ngoại xâm phương Bắc để giữ yên bờ cõi
- Không chỉ cấy trồng lúa nước, nhân dân ta thời bấy giờ cũng đã biết chế tạo những vũ khí chống giặc từ vật liệu kim loại
- Truyện Thánh Gióng cũng góp phần phản ánh: trong công cuộc chống ngoại xâm từ xa xưa, nhân dân ta đã có tinh thần đoàn kết, huy động sức mạnh toàn dân và dùng tất cả phương tiện mà mình có để đánh giặc.