Xin chào các em! Trong chuyên mục những bài soạn Ngữ văn 6 Tập 1 hôm nay, Soạn Văn xin giới thiệu đến các em bài soạn: Treo biển. Đây là văn bản đầu tiên của thể loại truyện cười trong chương trình Ngữ văn 6 tập 1. Mời các em cùng tham khảo nhé!
I. Về thể loại
Văn bản Treo biển thuộc thể loại truyện cười. Đây là thể loại truyện kể về những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống, nhằm tạo ra tiếng cười mua vui hoặc phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội.
Nước ta có kho tàng truyện cười rất phong phú với những câu chuyện nổi tiếng như Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Ba Giai Tú Xuất,... Đối tượng chủ yếu của những câu chuyện này là những giai cấp thống trị tham lam, kênh kiệu nhưng dốt nát. Tiếng cười khi đó trở thành vũ khí sắc bén của nhân dân lao động chống lại giai cấp thống trị.
Ngoài ra, còn một loại truyện cười khác mà đối tượng là những thói hư tật xấu, những hủ tục lạc hậu vẫn còn rơi rớt trong cuộc sống hằng ngày của nhân dân. Khi đó, tiếng cười giúp cho con người trở nên minh mẫn, sáng suốt, sống lành mạnh và khỏe khoắn hơn.
II. Tóm tắt
Truyện kể về một cửa hàng bán cá có treo biển với dòng chữ "Ở đây có bán cá tươi". Cứ nghe người đi qua bình phẩm là nhà hàng lại bớt đi một hai chữ, từ "ở đây có bán cá tươi" thành "ở đây có bán cá", đến "có bán cá". Còn một chữ "cá" cuối cùng, thế mà vẫn có người đến góp ý, thế là chủ cửa hàng bèn cất nốt cả tấm biển.
III, Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Nội dung của tấm biển "ở đây có bán cá tươi" của cửa hàng có 4 yếu tố:
- Ở đây: chỉ địa điểm, vị trí
- Có bán: chỉ hoạt động của cửa hàng
- Cá: loại mặt hàng được bán tại cửa hàng
- Tươi: chỉ chất lượng của mặt hàng
Câu 2:
Có 4 người góp ý về cái biển đề ở cửa hàng bán cá đó:
- Người thứ nhất bình phẩm về chữ "tươi" rằng "nhà này xưa nay quen bán cá ươn". Theo em, ý kiến này là không thỏa đáng, chữ "tươi" ở đây ngoài ý nghĩa chỉ phẩm chất tươi, còn có ý nghĩa chỉ chủng loại, tức là không phải cá khô, nên đặt chữ "tươi" là hoàn toàn hợp lý
- Người thứ 2 bình phẩm về chữ "ở đây" rằng "chẳng lẽ ra hàng hoa mua cá?". Ý kiến này thoạt đầu nghe thì có vẻ có lý. Tuy nhiên, nếu xét về nghệ thuật quảng cáo, hai chữ "ở đây" hoàn toàn không thừa. Bởi chúng có ý nghĩa tác động, tạo sự chú ý cho khách hàng
- Người thứ 3 bình phẩm về chữ "có bán". Có ý kiến cho rằng ý kiến này đúng một nửa (để chữ "bán", bỏ chữ "có"). Chữ "bán" đúng thật là rất cần thiết, nó chỉ tính chất kinh doanh là bán chứ không phải mua. Không có chữ "bán" e rằng khách hàng sẽ không biết nơi này là bán cá hay mua cá. Tuy nhiên, nếu bỏ chữ "có" đi, tấm biển vẫn đủ ý nhưng sức tác động trong quảng cáo lại bị giảm đi rất nhiều. Chính vì thế, hai từ "có bán" là vô cùng quan trọng.
- Người thứ 4 bình phẩm về chữ "cá". Đây được coi là ý kiến vô lý nhất trong văn bản, vì mặt hàng là thứ quan trọng nhất trong việc quảng cáo để người khách hàng biết cửa hàng này bán gì.
Câu 3:
* Những chi tiết làm em cười đó là: cắt bỏ dần dần cho đến khi tưởng như không còn ai bắt bẻ, cuối cùng lại cất nốt tấm biển. Sự thiếu chính kiển của người chủ cửa hàng đã gây tốn công sức và tốn thời gian.
* Cái đáng cười bộc lộ rõ nhất là khi cửa hàng này treo biển mà không hiểu ý nghĩa công việc của mình, hoàn toàn mất hết chủ kiến.
Câu 4:
Truyện Treo biển có ý nghĩa là phê phán nhẹ nhàng những người không có chủ kiến trong cuộc sống, trong công việc. Không suy xét kỹ càng những góp ý, những bình phẩm của người khác. Từ đó, chúng ta rút ra được bài học là làm việc gì cũng phải suy nghĩ trước sau. Cũng có thể lắng nghe ý kiến của người khác nhưng phải chọn lọc, phải có chủ kiến kẻo phí công vô ích, bị thiên hạ cười chê mà lại tốn thời gian, công sức.