I. Tác giả

Tố Hữu (tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành) sinh năm 1920 tại Thừa Thiên - Huế, ông mất năm 2002 tại Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, từ 6 - 7 tuổi, Tố Hữu đã học và tập làm thơ. Ông giác ngộ cách mạng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ và trở thành người lãnh đạo Đoàn thành niên Dân chủ ở Huế. Ông bắt đầu đăng thơ lên báo từ những năm 1937 - 1938. Năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt giam. Năm 1942, Tố Hữu vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1945, ông lãnh đạo khởi nghĩa ở Huế. Sau cách mạng tháng Tám, Tố Hữu trở thành nhà lãnh đạo tư tưởng, văn nghệ của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời, cũng trở thành nhà thơ lớn của nền văn học cách mạng Việt Nam.

Những tác phẩm của Tố Hữu đã xuất bản: Từ ấy (thơ, 1946), Việt Bắc (thơ, 1954), Gió lộng (thơ, 1961), Ra trận (thơ, 1972), Máu và hoa (thơ, 1977), Một tiếng đờn (thơ, 1992), Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (tiểu luận, 1973), Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận, 1981), Nhớ lại một thời (hồi ký, 2000).

Ngoài ra, Tố Hữu đã từng nhận được những giải thưởng: Giải Nhất giải thưởng văn học Hội Văn Nghệ Việt Nam (1954 - 1955); Giải thưởng Văn học ASEAN (1996), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (đợt I, 1996).

II. Hướng dẫn soạn bài

Bài thơ kể và tả về Lượm qua những hồi tưởng, tưởng tượng của tác giả. Trong không khí tang thương và chết chóc của những ngày ở Huế, người chú tình cờ gặp cháu - một chú bé Lượm nhỏ tuổi, hồn nhiên, dễ thương, lạc quan trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Sự hy sinh anh dũng của Lượm khi làm nhiệm vụ và hình ảnh về chú bé vẫn luôn sống mãi.

Bố cục của bài thơ: Bài thơ Lượm có thể được chia thành 3 đoạn:

  • Đoạn 1: từ đầu => "Cháu đi xa dần": Hình ảnh Lượm trong cuộc gặp gỡ tình cờ của hai chú cháu
  • Đoạn 2: tiếp => "Hồn bay giữa đồng": Câu chuyện về chuyến liên lạc cuối cùng và sự hy sinh anh dũng của Lượm
  • Đoạn 3: còn lại: Hình ảnh Lượm vẫn còn sống mãi

Câu 2:

Hình ảnh Lượm trong bài thơ từ khổ thứ 2 đến khổ thứ 5 được miêu tả rất rõ nét và sinh động qua những chi tiết nghệ thuật:

  • Trang phục: cái xắc xinh xinh, ca lô đội lệch. Đó là trang phục cho những chiến sĩ liên lạc thời kháng chiến chống Pháp

=> biểu hiện dễ thương, hồn nhiên và nét đẹp khỏe mạnh của chú bé Lượm

  • Cử chỉ: cái đầu nghênh nghênh, mồm huýt sáo vang, chạy nhảy hoạt bát trên đường, cười híp mí

=> biểu hiện của sự ngây thơ, hồn nhiên, có lẽ đo đặc thù công việc đã tạo nên cho chú bé những nét như vậy

  • Lời nói: "Cháu đi liên lạc. Vui lắm chú à"

=> đây là lời tâm sự rất vui vẻ, thoải mái, tự hào. Lượm không hề quan tâm tới những nguy hiểm trong công việc, phải thường xuyên đối diện với cái chết.

Những yếu tố nghệ thuật như từ láy, vần, nhịp, so sánh trong đoạn thơ góp phần khắc họa chính xác và sinh động hình ảnh của một chú bé liên lạc.

Câu 3:

Nhà thơ đã hình dung, miêu tả chuyến đi liên lạc cuối cùng và sự hi sinh của Lượm rất nguy hiểm, khó khăn:

Mặt trận đạn bay vèo vèo. Nhiệm vụ cấp bách, Lượm rất bình tĩnh, vượt qua khó khăn.

Vụt qua mặt trận

Sợ chi hiểm nghèo?

Bọn giặc đã giết hại Lượm, đã bắn trúng em trên đường quê vắng vẻ. Và em đã ngã xuống như một thiên thần bé nhỏ:

Cháu nằm trên lúa

Tay nắm chặt bông

Lúa thơm mùi sữa

Hồn bay giữa đồng.

=> Hình ảnh Lượm - môt chú bé liên lạc thật dũng cảm khiến cho mọi người đều thương mến, cảm phục.

Trong đoạn này, có những câu thơ và khổ thơ được cấu tạo đặc biệt gồm 1 câu thơ (mà thông thường mỗi khổ có 4 câu thơ). Câu thơ này lại còn được ngắt ra làm 2 dòng (Ra thế/Lượm ơi!...; Thôi rồi, Lượm ơi!...; Lượm ơi, Còn không?...). Chính khổ thơ và câu thơ này đã diễn tả niềm đau xót tiếc thương vô hạn như đã được dồn nén lại và như đứt đoạn ra trước tin về sự hi sinh của chú bé Lượm.

Câu 4:

Trong bài thơ, người kể chuyện đã gọi Lượm bằng nhiều từ xưng hô khác nhau:

  • Chú bé: đây là cách gọi của một người lớn tuổi với một người em trai nhỏ tuổi, cách xưng hô này cũng thể hiện sự thân mật nhưng chưa đến mức gần gũi, thân thiết
  • Cháu: đây chính là cách gọi biểu hiện sự gần gũi, thân thiết như người thân ruột thịt của một người lớn với cháu nhỏ
  • Chú đồng chí nhỏ: cách gọi vừa trang trọng nhưng cũng thể hiện sự thân thiết, trìu mến đối với một chiến sĩ nhỏ
  • Lượm ơi: cách xưng hô này được dùng khi cảm xúc của người kể đã lên đến cao độ, thể hiện ra trong cách gọi tên kèm theo những từ cảm thán.

Câu 5:

"Lượm ơi, còn không?", câu thơ đặt ở cuối bài thơ như một câu hỏi đầy đau xót sau sự hi sinh của Lượm. Sau câu thơ ấy, tác giả lặp lại hai khổ thơ đầu với hình ảnh chú bé Lượm hồn nhiên, tươi vui vì tác giả không tin rằng Lượm đã hi sinh. Nhà thơ khẳng định Lượm vẫn còn sống mãi cùng với thời gian, sống mãi trong lòng tác giả, trong lòng đồng bào người dân Huế và trong những thế hệ mãi sau này.