I. Về thể loại

Văn bản Ông lão đánh cá và con cá vàng thuộc thể loại truyện cổ tích. Thể loại này có những đặc điểm như:

  • Phản ánh cuộc sống hằng ngày của người nhân dân
  • Nhân vật trong truyện thường là những nhân vật như: nhân vật bất hạnh ( người mồ côi, người con riêng, người em út, người có hình dạng xấu xí,...), nhân vật ngốc nghếch, nhân vật thông minh, nhân vật có tài năng kỳ lạ, nhân vật là động vật,...
  • Thường có những yếu tố hoang đường, kỳ ảo, là cán cân công lý, thể hiện khát vọng công bằng, niềm tin và ước mơ của nhân dân về sự chiến thằng của cái thiện với cái ác, cái tốt với cái xấu,...

II. Tóm tắt

Truyện kể về một ông lão đánh cá, trong một lần đánh cá, lần thứ nhất kéo được toàn bùn, lần thứ hai kéo được rong, lần thứ ba thì kéo được con cá vàng. Cá vàng kêu oan, xin ông lão thả ra và hứa trả ơn.

Mụ vợ ông lão biết chuyện, mắng chửi ông lão và bắt ông ra biến 5 lần để đòi cá vàng đáp ứng những yêu cầu tham lam của mụ:

  • Lần thứ nhất, mụ vợ đòi một cái máng lợn mới
  • Lần thứ 2, mụ "quát to hơn" và bắt ông lão đi đòi một cái nhà to
  • Lần thứ 3, ông lão lại bị mụ "mắng như tát nước vào mặt" và đòi làm một bà nhất phẩm phu nhân
  • Lần thứ 4, mụ vợ lại "mắng lão một thôi" và đòi cá cho mụ làm nữ hoàng
  • Lần thứ 5, mụ muốn làm Long Vương và bắt cá hầu hạ

Cá vàng tức giận, lấy lại tất cả những thứ đã cho, ông lão lại trở về với túp lều rách nát ngày xưa và thấy mụ vợ đang ngồi ở bậc cửa với cái máng lợn sứt mẻ.

III. Bố cục

Văn bản Ông lão đánh cá và con cá vàng có thể được chia thành 3 đoạn:

  • Đoạn 1: từ đầu => "kéo sợi", nội dung: giới thiệu nhân vật và tạo ra tình huống truyện
  • Đoạn 2: tiếp => "ý muốn của mụ", nội dung: sự đền ơn của cá vàng và lòng tham của mụ vợ
  • Đoạn 3: còn lại, nội dung: sự trừng trị của cá vàng dành cho mụ vợ tham lam

IV. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Trong văn bản, đã có 5 lần ông lão ra biển gặp cá vàng. Đây là biện pháp lặp lại có chủ ý của truyện cổ tích. Năm lần ông lão ra với 5 tâm trạng khác nhau, từ bối rối, ngượng ngùng cho đến hoảng sợ. Thái độ của cá vàng và biểu hiện của biển cả cũng thay đổi, tăng dần theo ham muốn của bà vợ. Chính cách kể truyện này đã khiến cho người đọc không cảm thấy nhàm chán mà ngày càng hấp dẫn, hứng thú. Từ đó, đặc điểm tính cách nhân vật, đặc biệt là mụ vợ đã ngày càng được tô đậm.

Câu 2:

Năm lần ông lão ra biển, biển cũng thay đổi theo những đòi hỏi của mụ vợ:

  • Lần 1: mụ đòi cái máng mới, biển gợn sóng êm ả
  • Lần 2: mụ đòi cái nhà đẹp, biển xanh đã nổi sóng
  • Lần 3: mụ đòi làm nhất phẩm phu nhân, biển xanh nổi sóng dữ dội
  • Lần 4: mụ đòi làm nữ hoàng, biển xanh nổi sóng mù mịt
  • Lần 5: mụ đòi làm Long Vương, một cơn dông tố kinh khủng kéo đến, mặt biển nổi sóng ầm ầm

Những phản ứng của biển tăng dần theo những đòi hỏi ngày càng quá quắt của mụ vợ. "Nhân vật" biển tuy không tham gia trực tiếp vào cốt truyện nhưng cũng thể hiện rất rõ thái độ của tác giả (cũng là nhân dân) trước cái thói tham lam vô hạn của con người (mụ vợ ông lão).

Câu 3:

* Theo em, lòng tham và sự bội bạc của người vợ là không đáy và quá quắt

* Sự bội bạc của mụ đối với chồng đã tăng lên qua mỗi lần đòi hỏi:

  • Lần đầu mụ vợ mắng ông lão là đồ ngốc
  • Lần thứ hai mụ mắng chồng to hơn
  • Lần thứ ba mụ mắng như tát nước vào mặt ông lão và bắt ông đi dọn chuồng ngựa
  • Lần thứ  4, mụ nổi giận lôi đình tát vào mặt ông lão, định cho người lôi ông lão ra bờ biển. Sau khi lên làm nữ hoàng, mụ vợ đuổi chồng và để mọi người chế giễu chồng
  • Lần cuối cùng, mụ lại sai người bắt ông lão đến và ra lệnh

* Mụ vợ có ý định bắt cá vàng kẻ đã cho mình đạt được những yêu cầu về địa vị, sự giàu sang, để phục vụ cho lòng tham và sự bội bạc không cùng của mụ. Rõ ràng, mụ vợ không chỉ bội bạc với chồng mình (người xứng đáng được hưởng những đặc ân của cá vàng) mà mụ còn bội bạc với cá vàng (vì ông lão mà trả ơn).

Câu 4:

Truyện đã kết thúc là hai vợ chồng ông lão lại trở về với cuộc sống trước kia, với chiếc máng lợn sứt mẻ.

Cái kết này là hoàn toàn tất yếu, nhưng cũng để lại trong lòng người đọc, người nghe nhiều suy nghĩ. Đối với ông lão, việc trở về với cuộc sống trước đây sẽ tốt hơn rất nhiều. Còn đối với mụ vợ, một con người không có chút công lao nào với cá vàng mà lại đòi hỏi quá quắt thì việc mất hết tất cả cũng là sự công bằng, là sự trừng phạt thích đáng cho thói tham lam vô độ và sự bội bạc của mụ. Qua đó cũng thể hiện ước mơ công lý của nhân dân và nhắn nhủ phải biết bằng lòng với những gì mình đang có, sống nhân hậu, có tình có nghĩa chứ không được tham lam, bội bạc, có mới nới cũ.

Câu 5:

Cá vàng trừng trị mụ vợ vì cả hai tội tham lam và bội bạc. Lòng tham của mụ đã mù quáng, mất hết lương tri. Tuy nhiên, ở đây, tội bội bạc có ý nghĩa quyết định khiến lòng tham trở nên vô hạn độ và dần dẫn đến sự trừng phạt thích đáng của mụ vợ.

Hình ảnh con cá vàng trong văn bản là tượng trưng cho công lý của nhân dân, là thái độ của nhân dân đối với những người lương thiện, hiền lành và những người độc ác, tham lam.