I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Thạch Lam trong SGK Ngữ văn 7 Tập 1).
2. Tác phẩm
Bài văn Một thứ quà của lúa non: Cốm được rút từ tập Hà Nội băm sáu phố phường (1943), tập tùy bút viết về cảnh sắc và phong vị của Hà Nội, đặc biệt là những thứ quà, những món ăn thường ngày khá bình dị, không mấy cao sang nhưng lại đậm đà hương vị riêng, thể hiện sự tinh tế, khéo léo trong bản sắc văn hóa lâu đời của đất kinh kì.
Văn bản Một thứ quà của lúa non: Cốm được viết theo thể tùy bút - một thể loại kí. Lối viết của thể loại này tương đối phóng khoáng, nhà văn tùy theo ngọn bút đưa đi, có thể từ sự việc này sang sự việc kia, từ liên tưởng này sang liên tưởng kia, để bộc lộ những cảm xúc, những tâm tình, phát biểu những nhận xét về người và cảnh. Cái bản ngã của nhà văn được thể hiện gần như trong thơ trữ tình.
Có thể nói, tùy bút là thể giàu chất trữ tình nhất trong các loại kí. Những sự việc, những con người được nhắc đến trong tùy bút tuy không kết thành một hệ thống chặt chẽ, nhưng phải nằm trong trật tự hợp lý của dòng cảm xúc, dòng suy nghĩ của tác giả, và tất nhiên cũng phải xác thực. Giá trị của tùy bút là ở những suy nghĩ sâu sắc, thâm trầm, được rút ra từ những sự việc tưởng như riêng tư, bình thường. Sức lôi cuốn của nó còn ở ngôn ngữ trau chuốt, giàu hình ảnh bất ngờ và lí thú, tạo ra một chất thơ riêng.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
* Bài tùy bút này viết về một thứ quà của lúa non: Cốm.
* Để nói về đối tượng trên, tác giả đã sử dụng những phương thức biểu đạt: miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, bình luận. Trong đó, phương thức biểu cảm là chủ yếu.
* Bài văn Một thứ quà của lúa non: Cốm có thể được chia làm 3 đoạn:
- Đoạn 1: từ đầu => "chiếc thuyền rồng" : Hương thơm của lúa non gợi nhớ đến cốm. Hạt cốm được hình thành từ sự tinh túy của thiên nhiên và sự khéo léo của con người.
- Đoạn 2: tiếp => "kín đáo và nhũn nhặn" : Những giá trị của cốm.
- Đoạn 3: còn lại : Bàn về sự thưởng thức cốm. Ý nghĩa sâu xa trong việc hưởng thụ một thứ sản phẩm của thiên nhiên, trời đất, con người. Lời đề nghị của tác giả với người mua và người thưởng thức cốm sao cho đúng cách.
Câu 2:
Đoạn văn từ đầu => "trong sạch của trời".
* Tác giả đã mở đầu bài viết về Cốm bằng những hình ảnh và chi tiết:
- Hương thơm của lá sen trong cơn gió mùa hè
- Hương thơm mát của bông lúa trên cánh đồng, từ đó, nhắc đến hương thơm của cốm - một thứ quà thanh nhã, tinh khiết.
* Những cảm giác về hương thơm của lá sen, về màu xanh của cánh đồng, về mùi hương thơm mát của lúa non, giọt sữa trắng thơm trong hạt lúa phảng phất hương vị của ngàn hoa cỏ,... Chính những cảm giác, ấn tượng này đã tạo nên tính biểu cảm của đoạn văn.
Câu 3:
* Tác giả đã nhận xét về tục lệ dùng hồng, cốm làm đồ sêu tết của nhân dân ta là rất phù hợp. Bởi cốm là thức dâng của trời đất, mang trong nó hương vị vừa thanh nhã, vừa đậm đà của đồng nội, có thể lấy làm biểu trưng cho xứ sở trồng lúa nước như ở nước ta. Hơn thế nữa, thứ lễ vật ấy lại được đem sánh đôi với quả hồng mang đến ý nghĩa biểu trưng cho sự hòa hợp tốt đôi thì quả là một thứ lễ nghi đầy ý nghĩa.
* Sự hòa hợp, tương xứng của hai thứ quà ấy đã được phân tích trên những phương diện như màu sắc, hương vị. Màu sắc thì quý giá, hài hòa; còn hương vị thì hòa hợp và nâng đỡ nhau. => Đây là một phong tục đẹp của nhân dân ta.
Câu 4:
"Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam". Có thể thấy rằng, nhận xét này của nhà văn rất tinh tế và chính xác. Cốm quả là một thứ quà độc đáo, bởi nó được làm từ sản phẩm gần gũi với người dân quê. Nó là một sản phẩm mà cánh đồng, mà đất trời ban tặng cho con người.
Hương cốm là hương của lúa, một thứ hương mộc mạc, giản dị, thanh khiết của đồng quê. Cốm cũng không chỉ là một món ăn thông thường. Nó trở thành một món quà văn hóa, đặc biệt là với phong túc sêu tết trong hôn nhân.
=> Một đoạn văn ngắn nhưng có ý nghĩa khái quát cao.
Câu 5:
Đoạn văn từ "Cốm không phải là thức quà của người vội" cho đến hết bàn về sự thưởng thức cốm.
Sự tinh tế và thái độ trân trọng của tác giả đối với việc thưởng thức một món quà bình dị được thể hiện ở chỗ: ăn cốm không thể nào ăn vội, vừa ăn thong thả, vừa ngẫm nghĩ thì mới cảm hết được hương thơm, vị ngon và sự tươi mát của lá non và cái dịu dàng, thanh đạm của thảo mộc. Còn mua cốm là phải nâng đỡ, vuốt ve, kính trọng lộc trời và cũng là kính trọng công sức của con người. Nếu mua cốm một cách có văn hóa thì khi thưởng thức sẽ trang nhã, ngon hơn, đẹp hơn.
Câu 6:
Bài văn thể hiện nét đặc sắc của ngòi bút Thạch Lam là thiên về cảm giác tinh tế, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Có thể thấy điều này ngay ở đoạn dẫn nhập mở bài, từ khi sữa lúa hình thành làm nên hạt lúa non, và từ đó làm nên hạt cốm. Hơn thế nữa, sự tinh tế còn được thể hiện rõ khi tác giả bộc lộ cảm xúc về sự hài hòa giữa hồng và cốm, trong đoạn bàn về cách thức mua cốm và thưởng thức cốm. Hẳn là tác giả phải là người tinh tế, am hiểu và nhạy cảm lắm mới có thể thể hiện một thứ quà bình dị, thanh khiết mà độc đáo như vậy.