I. Về thể loại
Văn bản Sài Gòn tôi yêu được viết theo thể tùy bút. Nếu so với bài Một thứ quà của lúa non: Cốm, Thạch Lam thể hiện cảm xúc về một thứ quà, một sản vật bình dị, độc đáo mà giàu hương vị đất nước, còn trong bài văn này, tác giả Minh Hương lại miêu tả những nét riêng tạo nên phong cách và vẻ đẹp của một thành phố.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
* Tác giả cảm nhận Sài Gòn qua những phương diện: thiên nhiên, khí hậu, thời tiết, cuộc sống, sinh hoạt của thành phố, cư dân và phong cách sống của người Sài Gòn.
* Bài văn có thể được chia làm 3 đoạn:
- Đoạn 1: từ đầu => "tông chi họ hàng" : ấn tượng chung và tình yêu của tác giả với Sài Gòn.
- Đoạn 2: tiếp => "leo lên hơn năm triệu" : Những cảm nhận và bình luận của tác giả về phong cách sống của con người Sài Gòn.
- Đoạn 3: còn lại : Một lần nữa khẳng định tình yêu của tác giả đối với thành phố Sài Gòn.
Câu 2:
Đoạn từ đầu => "tông chi họ hàng" tác giả đã bày tỏ lòng yêu mến của mình với Sài Gòn qua những cảm nhận chung về thiên nhiên và cuộc sống ở nơi ấy.
a) Nét riêng biệt của thiên nhiên, khí hậu Sài Gòn qua sự cảm nhận khá tinh tế của tác giả:
- Tác giả miêu tả Sài Gòn qua nhiều hiện tượng thời tiết với những nét riêng (nắng sớm, gió lộng buổi chiều, cơn mưa nhiệt đới ào ào và mau dứt).
- Cảm nhận về sự thay đổi nhanh chóng và đột ngột của thời tiết (trời đang ui ui buồn bã bỗng nhiên trong vắt lại như thủy tinh).
- Cảm nhận về không khí, nhịp điệu cuộc sống đa dạng của thành phố trong nhiều thời khắc khác nhau (đêm khuya, những giờ cao điểm, buổi sáng tinh sương).
b) Tình cảm của tác giả với Sài Gòn đã được thể hiện:
- Đó là một tình yêu nồng nhiệt sâu sắc, tác giả đã khẳng định "Tôi yêu Sài Gòn da diết", yêu mọi không gian, mọi địa điểm, từ thiên nhiên cho đến con người, từ cái bình thường đến cả cái bất thường của thời tiết.
- Tình yêu đó được thể hiện bằng phương thức biểu đạt trực tiếp và gián tiếp: Tôi yêu Sài Gòn da diết - gió nhớ thương nắng ngọt ngào. Đặc biệt, động từ "yêu" được lặp lại tới 6 lần, đứng đầu câu mở ra sau động từ "yêu" ấy là mở ra không gian, cảnh vật và nét riêng của thành phố.
- Qua đó thể hiện niềm tự hào của tác giả về thành phố Sài Gòn mến yêu, một thành phố trẻ hoài và đang độ "nõn nà" sinh sôi phát triển.
Câu 3:
Đoạn văn từ "Ở trên đất này" đến "leo lên hơn năm triệu", tác giả tập trung nói về nét nổi bật trong phong cách của người Sài Gòn. Nét đặc trưng phong cách ấy là: đây là nơi hội tụ của con người ở khắp bốn phương nhưng đã hòa hợp, không còn phân biệt nguồn gốc mà chỉ còn là những người con của Sài Gòn.
Tác giả đã khái quát nét phong cách nổi bật của người Sài Gòn một cách rất tự nhiên, chân thành, cởi mở, mạnh bạo mà vẫn ý nhị. Từ đó, làm nổi bật lên phong cách của những con người này là chân thành, bộc trực, cởi mở. Thiếu nữ Sài Gòn với vẻ đẹp tự nhiên, dễ gần mà ý nhị, tuy có vẻ cổ xưa nhưng vẫn mang tinh thần dân chủ.
Câu 4:
Qua bài văn đã cho chúng ta cảm nhận được ấn tượng sâu đậm, tình cảm chân thành và nồng nhiệt của tác giả đối với mảnh đất và con người Sài Gòn - nơi mà ông đã từng gắn bó hơn năm mươi năm trời.