I. Về thể loại
Ca dao, dân ca là những khái niệm tương đương, chỉ các thể loại trữ tình dân gian, kết hợp lời với nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người. Hiện nay, người ta cũng có phân biệt được hai loại ca dao và dân ca. Dân ca là những sáng tác kết hợp lời và nhạc, tức những câu hát dân gian trong diễn xướng. Ca dao chính là lời thơ của dân ca. Ca dao còn bao gồm cả những bài thơ dân gian mang phong cách nghệ thuật chung với lời thơ của dân ca. Khái niệm của ca dao còn được dùng để chỉ một thể thơ dân gian - thể ca dao.
Ca dao, dân ca thuộc loại trữ tình, thường phản ánh tâm tư, tình cảm, thế giới tâm hồn của con người. Nhân vật trữ tình phổ biến trong ca dao, dân ca là những người vợ, người chồng, người mẹ, người con,...trong quan hệ gia đình, những chàng trai, cô gái trong quan hệ tình cảm, người nông dân, người phụ nữ,...trong quan hệ xã hội. Ngoài ra, cũng có những bài ca dao nhằm châm biếm, phê phán những thói hư tật xấu của những hạng người và sự việc đáng cười trong xã hội. Ca dao châm biếm thể hiện khá tập trung những nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam.
Ngoài ra, bên cạnh những đặc điểm giống với trữ tình, ca dao, dân ca còn có những đặc thù riêng như:
- Ngắn, chỉ gồm hai hoặc bốn dòng thơ
- Thường sử dụng thủ pháp lặp như là một thủ pháp chủ yếu để tổ chức hình tượng.
Có thể nói, ca dao, dân ca là mẫu mực về tính chân thực, hồn nhiên, cô đúc, về sức gợi cảm và khả năng lưu truyền. Ngôn ngữ ca dao, dân ca là ngôn ngữ thơ nhưng vẫn rất gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân và mang màu sắc địa phương rất rõ.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Bài ca dao 1: Là lời của người mẹ ru con ngủ: "Ru hơi, ru hỡi, ru hời", "Con ơi".
Bài ca dao 2: Lời của người con gái lấy chồng xa quê nói với mẹ của mình ở quê nhà: "Trông về quê mẹ", "ngõ sau"
Bài ca dao 3: Lời của của con cháu nói với ông bà: "nuột lạt mái nhà", "ông bà"
Bài ca dao 4: Đây có thể là lời của những anh em tâm sự với nhau hoặc lời của cha mẹ chỉ dạy con cái.
Câu 2:
* Tình cảm mà bài 1 muốn diễn tả là tình cảm đối với cha mẹ. Bài ca dao muốn nhắc nhở những người con về công lao trời biển của cha mẹ, nhắc nhở người con về trách nhiệm và bổn phận của mình đối với cha mẹ.
* Cái hay của bài ca dao:
- Dùng biện pháp nghệ thuật so sánh, ví von: công cha được so sánh với "núi ngất trời", nghĩa mẹ thì được so sánh với "nước ở ngoài biển Đông" không bao giờ vơi cạn. => công cha, nghĩa mẹ là vô cùng to lớn, không thể nào kể hết được.
- Dùng biện pháp đối xứng: khắc sâu thêm hình tượng công cha đối xứng với nghĩa mẹ, núi đối xứng với biển.
- Thể thơ lục bát ngọt ngào, dễ đi vào lòng người, dễ nhớ, dễ thuộc
* Những câu ca dao cũng nói đến công cha, nghĩa mẹ tương tự:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Hay:
Ơn cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang.
Câu 3:
Bài 2 là tâm trạng của người phụ nữ lấy chồng xa quê, đó là tâm trạng nhớ mẹ, nhớ quê hương.
- Thời gian: "chiều chiều", từ láy càng gợi lên nỗi buồn, nỗi cô đơn, chỉ sự tuần hoàn, lặp lại
- Không gian: "ngõ sau", đây là không gian ít người lui tới, nhất là vào buổi chiều lại càng vắng lặng, cho thấy cảm giác cô đơn, buồn tủi, và có thể đó là những giọt nước mắt.
- Hành động: "đứng", "trông về", một tâm trạng cô đơn không biết tâm sự cùng ai, người con gái trông về quê mẹ với bao nỗi lo cha mẹ già yếu sớm sẽ không có ai đỡ đần, hoặc cũng có thể là nuối tiếc thời thanh xuân đã qua, buồn tủi về kiếp làm dâu.
- Nỗi niềm: "ruột đau chín chiều"
Như vậy, đọc bài ca dao thứ 2, ai trong chúng ta cũng không thể tránh khỏi nỗi niềm cảm thương sâu sắc với số phận của nhân vật người con gái.
Câu 4:
Bài 3 là sự diễn tả nỗi nhớ và sự yêu kính đối với ông bà. Những tình cảm đó được diễn tả bằng hình thức so sánh "bao nhiêu...bấy nhiêu", đây là kiểu so sánh thường gặp trong ca dao.
Cái hay của cách diễn đạt đó được biểu hiện ở chỗ:
- Thứ nhất, theo quan niệm của người Việt Nam, cái gì được kính trọng thì thường được đặt ở trên. Do vậy, động từ "ngó lên" trong bài thể hiện sự kính trọng của người con cháu đối với ông bà của mình.
- Thứ hai, hình ảnh "nuộc lạt mái nhà" vừa gợi ra cái nhiều về số lượng (chỉ nỗi nhớ, sự yêu kính vô hạn đối với ông bà), vừa gợi ra tình cảm kết nối bền chặt của những người cùng huyết thống, cùng ông bà sinh ra.
Câu 5:
Trong bài 4, tình cảm của anh em thân thương được diễn tả:
- Khác với "người xa", anh em có những cái "cùng, chung, một", cùng huyết thống, cùng có những kỉ niệm sướng khổ với nhau trong mái ấm gia đình.
- "như thể tay chân", Tay và Chân vốn là hai bộ phận vô cùng quan trọng trên cơ thể con người. Nhờ sự so sánh đó, cho thấy tình cảm anh em là máu thịt, thiêng liêng và cao quý.
=> Bài ca dao như nhắc nhở mỗi chúng ta, tình cảm anh em là thứ tình cảm thiêng liêng, ruột thịt, anh em phải sống hòa thuận, hạnh phúc để cho cha mẹ được yên lòng.
Câu 6:
Những biện pháp nghệ thuật được cả 4 bài ca dao sử dụng là:
- Thể thơ lục bát quen thuộc, dễ nhớ
- Những hình ảnh so sánh, ví von
- Những hình ảnh gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày
- Ngôn ngữ mang tính chất hướng ngoại nhưng không phải hình thức đối đáp mà là lời nhắn nhủ tâm tình.