Xin chào các em! Trong chuyên mục soạn văn ngày hôm nay, Soạn Văn.Me sẽ giới thiệu đến các em bài soạn: Bài ca nhà tranh bị gió thu phá. Bài thơ này của một tác giả rất nổi tiếng tại Trung Quốc - Đỗ Phủ. Chính bút pháp hiện thực và tinh thần nhân đạo cao cả của bài thơ đã ảnh hưởng khá sâu rộng đến thơ ca Trung Quốc đời sau. Dưới đây là những hướng dẫn các em có thể tham khảo nhé!
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả (mời các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Đỗ Phủ trong SGK Ngữ văn 7 Tập 1).
2. Tác phẩm
Bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá được viết theo lối cổ thể (tương đối tự do về vần, luật, đối). Bằng bút pháp hiện thực sắc sảo, cùng với tinh thần nhân đạo cao cả, bài thơ này đã có những ảnh hưởng khá sâu rộng đến thơ ca Trung Quốc đời sau.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
* Bài thơ có thể được chia làm 4 phần:
- Phần 1: 5 câu đầu: Cảnh gió thu cướp mất lớp tranh của ngôi nhà.
- Phần 2: 5 câu tiếp: Tâm trạng ấm ức vì già yếu nên đã bị bọn trẻ con xô cướp giật mất tranh.
- Phần 3: 8 câu tiếp: Nỗi khổ nhà dột, ướt lạnh, con quậy phá và sự lo lắng về loạn lạc.
- Phần 4: còn lại: Ước mơ cao cả của nhà thơ.
* Bài thơ có 3 đoạn mà mỗi đoạn chứa 5 câu, đây là một hiện tượng hiếm gặp trong thơ ca cổ Trung Quốc, bởi thường số câu trong mỗi đoạn là nhịp chẵn). Riêng khổ thơ thứ 3 thì dài hơn, gồm 8 câu, diễn tả nỗi khổ cực vô hạn của nhà thơ. Tiếp tục đến khổ thơ thứ 4, những câu trong khổ này đều dài hơn các phần còn lại, có lẽ để diễn đạt những tâm tư, tình cảm và ước vọng cao đẹp của nhà thơ.
=> Đỗ Phủ là một nhà thơ không quá câu nệ về hình thức trong sáng tác thơ. Ông có thể chủ động thay đổi số câu, số chữ, cách gieo vần,...cốt là để phục vụ tốt nội dung diễn đạt.
Câu 2:
Phương thức biểu đạt | Miêu tả | Tự sự | Biểu cảm trực tiếp | Miêu tả - tự sự | Miêu tả - biểu cảm | Tự sự – biểu cảm | Tự sự – miêu tả - biểu cảm |
---|---|---|---|---|---|---|---|
Phần 1 | X | ||||||
Phần 2 | X | ||||||
Phần 3 | X | ||||||
Phần 4 | X |
Câu 3:
* Những nỗi khổ của nhà thơ được đề cập trong bài thơ:
- Nỗi khổ của ngôi nhà bị gió thu cuốn: cái thì bay sang sông, cái thì treo trên ngọn cây cao tít, cái nhào xuống lòng mương tơi tả => cảnh tượng thật kinh hoàng. Vốn dĩ Đỗ Phủ rất nghèo, ngôi nhà tranh ấy được dựng là phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân thích và bạn bè, nay lại bị gió cuốn, ông biết phải làm sao?
- Nỗi khổ vì thân tình thế thái: hình ảnh một bên là lũ trẻ đua nhau cướp những tấm tranh chạy đi, một bên là ông già chống gậy lom khom, miệng thì gào thét đến khô cháy mà chúng không chịu nghe.
- Nỗi khổ nằm trong mưa lạnh: nhà thì bị tốc mái mà mưa chẳng dứt, chăn mền cũng ướt sũng, con thơ thì rét mướt, quấy khóc.
- Nỗi khổ vì chiến tranh loạn lạc: đây mới chính là nỗi khổ lớn nhất và là nguyên nhân chính dẫn đến 3 nỗi khổ trên. Vì loạn lạc mà nhà thơ phải từ quan, phiêu bạt, vì loạn lạc mà những đứa trẻ túng thiếu phải đi cướp giật của người khác, và cũng vì loạn lạc mà nhà thơ đêm dài ít ngủ, chịu lạnh, chịu đói.
=> Chỉ với vài nét chấm phá đơn sơ, Đỗ Phủ đã miêu tả sinh động và khúc chiết những nỗi khổ của ông, nhất là chỉ với nét điểm xuyết: từ trải cơn loạn ít ngủ nghê đã làm cho nỗi khổ của nhà thơ như được tăng lên gấp bội.
Câu 4:
* Giả thử không có 5 dòng thơ cuối thì bài thơ vẫn rất hay và vẫn có giá trị biểu cảm cao. Bởi nó vẫn nói lên được nỗi thống khổ thực sự của con người trước sự tàn phá của thiên nhiên, cũng như vẫn nói lên được sự âu lo của nhà thơ trước việc đời, hay nói cách khác là lo lắng về tương lai của lũ trẻ.
Tuy nhiên, nhờ có 5 dòng thơ cuối mà nỗi đau của một người mới trở thành nỗi đau phản chiếu của muôn người, muôn nhà. Hơn thế nữa, nó còn cho thấy tư tưởng nhân văn cao đẹp của nhà thơ khi đặt nỗi đau chung của đất nước, của muôn người lên trên nỗi đau riêng. Có thể nói, ước mơ của nhà thơ tuy viển vông, ảo tưởng nhưng lại rất đẹp, bởi nó bắt nguồn từ khát khao về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc và ấm no. Thật là một tư tưởng giàu tính nhân văn đáng ca ngợi.