I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (mời các em tham khảo SGK Ngữ văn 7 tập 1)

2. Tác phẩm

Bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê (Hồi hương ngẫu thư) là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, được xây dựng dựa trên một cái tứ độc đáo. Bài thơ thể hiện tình yêu quê hương ngậm ngùi mà sâu sắc của tác giả.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Qua tiêu đề bài thơ, chúng ta có thể thấy, bài thơ này thể hiện tình yêu quê hương một cách hoàn toàn khác. Nếu ngày xưa, nỗi nhớ quê hương thường được thể hiện qua nỗi sầu của người con xa xứ, thì ở đây, tình quê lại được thể hiện ngay khi vừa mới đặt chân về đến quê nhà, ngay khi tưởng là được hạnh phúc và vui mừng nhất.

Khác hoàn toàn với Lí Bạch trong bài thơ Tĩnh dạ tứ vì xa quê, nhớ quê nên mới viết về quê hương. Còn với Hạ Tri Chương, ông viết bài thơ một cách "ngẫu nhiên", tình cảm chợt bộc lộ ngay khi vừa bước chân trở về quê.

Câu 2:

Hai câu đầu trong bài thơ, tác giả đã sử dụng phép đối, cụ thể là phép tiểu đối:

Thiếu tiểu li gia / lão đại hồi

Hương âm vô cải / mấn mao tồi.

Hai câu đối, mỗi câu hai vế, mỗi vế lại có hai bộ phận đối nhau rất chỉnh. Thiếu tiểu >< lão, Li gia >< đại hồi, hương âm >< mấn mao, thiếu tiểu >< lão, vô cải >< tồi. Tuy ở đây hơi có sự chênh lệch về lời, song về ý lại rất chuẩn (thiếu tiểu: còn nhỏ, lão: về già, vô cải: không thay đổi, tồi: chỉ sự thay đổi). Hơn thế nữa, xét về ngữ pháp, hai câu thơ có chủ ngữ, vị ngữ đầy đủ nên đọc lên nghe rất hài hòa.

Tác dụng của phép tiểu đối: giúp nhà thơ thể hiện những ý nghĩa khái quát trong một lượng câu chữ ít ỏi. Câu thơ đầu nói về quãng thời gian gần suốt cả cuộc đời xa quê và hé lộ tình cảm yêu quê hương của nhà thơ. Còn trong câu thơ thứ hai, nhà thơ dùng yếu tố thay đổi (mái tóc) để làm nổi bật yếu tố không thay đổi (tiếng nói quê hương). => Tác giả là một người yêu quê hương, luôn nghĩ về quê hương dù đã mấy chục năm trời xa cách.

Câu 3:

Phương thức biểu đạt Tự sự Miêu tả Biểu cảm Biểu cảm qua tự sự Biểu cảm qua miêu tả
Câu 1      X          X                    X  
Câu 2          X        X                        X

Câu 4:

Sự khác nhau về giọng điệu của hai câu trên và hai câu dưới:

Hai câu trên: là giọng điệu miêu tả, tự sự và có thoáng chút ngậm ngùi, tâm sự của người con xa quê lâu ngày mới được trở về.

Hai câu dưới: là giọng điệu hóm hỉnh, bi hài, thể hiện sự ngây thơ, hồn nhiên của trẻ thơ. Tác giả đã bị đẩy vào hoàn cảnh trớ trêu, bị gọi là khách ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. => Cảm giác bơ vơ, lạc lõng khi trở về quê nhà không còn người thân thích, không một ai quen biết, câu hỏi hồn nhiên của đám trẻ khiến cho nhà thơ vừa vui vừa buồn.

Giọng thơ của hai câu dưới tuy có phần hóm hỉnh song cũng không giấu được nỗi buồn sâu kín bên trong. Cũng nhờ thế, người đọc có thể nhận ra cái tình đối với quê hương của tác giả thật tha thiết và sâu nặng.