I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả
Bài thơ Chinh phụ ngâm khúc nguyên văn chữ Hán là của Đặng Trần Côn. Nhưng sau khi ra đời, bài thơ được nhiều người diễn Nôm theo thể song thất lục bát, rất phổ biến trong giai đoạn từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX với những tác giả như Đoàn Thị Điểm, Phan Huy Ích, Nguyễn Gia Thiều, Cao Bá Nhạ,...
2. Tác phẩm
* Xuất xứ: Văn bản Sau phút chia li được trích trong tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc (gồm 12 câu, từ câu 53 đến câu 64) và nói về tâm trạng của người vợ sau khi tiễn chồng ra trận.
* Thể thơ:
Bài thơ được viết theo thể thơ song thất lục bát. Đây là thể thơ do người Việt Nam sáng tạo, gồm 2 câu 7 chữ (song thất) và tiếp đến là hai câu 6 - 8 (lục bát). Bốn câu này sẽ thành một khổ, số lượng khổ thơ không hạn định.
Cách gieo vần: Chữ cuối của câu 7 trên vần với chữ thứ 5 của câu 7 dưới và đều là vần trắc. Chữ cuối của câu 7 dưới vần với chữ cuối của câu 6, đều vần bằng. Chữ cuối của câu 6 vần với chữ thứ sáu của câu 8, đều vần bằng. Chữ cuối của câu 8 lại vần với chữ thứ năm của câu 7 trên trong khổ tiếp theo, cũng vần bằng.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Căn cứ vào lời giới thiêu sơ lược về thể thơ song thất lục bát ở phần Chú thích, đoạn trích Sau phút chia li được viết theo thể thơ song thất lục bát.
Về cách hiệp vần trong văn bản thơ: Đoạn trích trên có 3 khổ, nhưng chỉ có khổ thơ cuối là hiệp vần đúng theo quy luật của thể thơ song thất lục bát, còn lại những khổ thơ khác, ít nhiều đều có sự sai lệch một hoặc một vài vị trí hiệp vần theo quy định.
Câu 2:
Qua 4 câu của khổ thơ đầu tiên, nỗi sầu chia li của người vợ được gợi tả bằng cách nói tương phản, đối nghĩa: "Chàng thì đi.../ Thiếp thì về...".
Bên cạnh đó, kết hợp với việc sử dụng hình ảnh "tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh" đã cho chúng ta thấy thực trạng chia li cách biệt. Chàng thì đi vào chốn xa xôi, vất vả, hiểm nguy, còn thiếp thì về với cảnh cô đơn vò võ. Sự chia li cách biệt đó, nỗi sầu nặng tưởng như đã phủ lên màu biếc của trời mây, trải vào màu xanh của núi ngàn. Hình ảnh mây biếc, núi ngàn đã góp phần gợi lên sự mênh mông, rộng lớn của vũ trụ, từ đó cho thấy nỗi cô đơn, sầu tủi của sự chia li.
Câu 3:
Qua 4 câu khổ thứ hai, nỗi sầu chia li càng được khắc sâu và tô đậm hơn, xoáy sâu hơn.
Cách dùng phép đối "còn ngảnh (ngoảnh) lại" - "hãy trông sang" trong hai câu 7 chữ thể hiện sự trông ngóng, đợi chờ, sự luyến tiếc nhớ thương giữa chàng và thiếp trong khung cảnh chia li cách biệt.
Cách điệp và đảo vị trí của hai địa danh Hàm Dương - Tiêu Dương có ý nghĩa làm tăng thêm sự xa cách nghìn trùng giữa chàng và thiếp, đồng thời, làm cho nỗi sầu như tăng thêm, nỗi nhớ nhung như xót xa hơn.
Câu 4:
Qua 4 câu của khổ thơ cuối, nỗi sầu đó còn được tiếp tục gợi tả và nâng lên bằng cách nói đối nghĩa, điệp từ điệp ý (cùng, thấy, ngàn dâu, xanh ngắt, cùng trông, xanh xanh).
Điệp từ "cùng" được thể hiện ở dạng đồng hướng (chẳng thấy). Cái màu "mây biếc", "ngàn núi xanh" vừa mới ở trên mà thoắt cái, bây giờ đã chỉ "thấy xanh xanh". Thấy mà như không thấy, bởi vì cái màu sắc được điệp ấy chỉ là "những mấy ngàn dâu".
Không những thế, ở đây không chỉ có lặp từ mà còn kết hợp lặp với đảo ngữ "Ngàn dâu xanh ngắt một màu", câu thơ diễn tả điều "thấy" đó là hoàn toàn vô vọng. Và câu thơ mang hình thức nghi vấn ở cuối cùng "Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?" đã cho thấy nỗi sầu, nỗi cô đơn, buồn tủi của người chinh phụ ấy như đã đạt đến đỉnh điểm.
Câu 5:
Những kiểu điệp ngữ trong đoạn thơ Sau phút chia li là:
- Điệp ngữ "chàng" và "thiếp" được kết hợp ngược chiều trong câu "Chàng thì đi.../ Thiếp thì về..." hoặc được kết hợp chéo trong cụm từ "lòng chàng ý thiếp".
- Những điệp ngữ: Tiêu Dương, Hàm Dương, cùng, ngàn dâu, xanh ngắt.
Tác dụng của những điệp ngữ trên là tạo nhạc điệu trầm, buồn cho thơ và hoàn toàn phù hợp với nỗi sầu chia li của người chinh phụ và chồng. Đồng thời, những điệp ngữ này cũng góp phần diễn tả tính chất hai mặt của nỗi sầu chia li: gắn bó mà phải xa cách.
Câu 6:
* Cảm xúc chủ đạo của đoạn thơ: thể hiện nỗi sầu chia li của người chinh phụ sau khi tiễn chồng ra trận. Đồng thời, cũng góp phần lên án, tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa và thể hiện niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ trong xã hội xưa.
* Ngôn từ của bài thơ được sử dụng khá điêu luyện, cùng với những điệp ngữ được sử dụng rất tài tình, cùng với giọng điệu chậm, trầm, buồn, góp phần thể hiện nỗi buồn da diết, sâu lắng.