Xin chào các em! Trong chuyên mục soạn văn ngày hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn bài: Bánh trôi nước. Bài thơ này có lẽ đã rất quen thuộc với các em, được biên soạn trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 Tập 1. Một bài thơ ngắn nhưng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp và số phận của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa. Mời các em cùng tham khảo nhé!
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả (mời các em tham khảo phần giới thiệu về tác giả Hồ Xuân Hương trong SGK Ngữ văn 7 Tập 1)
2. Tác phẩm
Bài thơ Bánh trôi nước được sáng tác theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Bài thơ gồm có 4 câu, mỗi câu có 7 chữ, cách ngặt nhịp 4/3 truyền thống và vần được gieo ở chữ cuối của những câu 1,2,4.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Bài thơ Bánh trôi nước thuộc thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Bởi vì:
- Bài thơ có 4 câu
- Mỗi câu thơ gồm 7 chữ
- Ngắt nhịp 4/3
- Vần được gieo ở cuối những câu 1,2,4
Câu 2:
Nghĩa thứ nhất của bài thơ thuộc về nội dung miêu tả bánh trôi nước khi đang được luộc chín. Nghĩa thứ hai thuộc về nội dung phản ánh vẻ đẹp, phẩm chất và thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ.
a) Với nghĩa thứ nhất, bánh trôi nước được Hồ Xuân Hương miêu tả như một vật thể có màu trắng của bột, hình dạng viên tròn, nếu nhào bột mà nhiều nước quá thì bánh sẽ nát (nhão), còn nếu ít nước quá thì bánh sẽ rắn (cứng), được luộc chín bằng cách cho vào nồi nước đun sôi, khi chín thì bánh sẽ nổi lên, còn những chiếc bánh vẫn chìm là chưa chín.
b) Với nghĩa thứ hai, có thể nói, hình ảnh bánh trôi nước đã trở thành một biểu tượng, tượng trưng cho người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa qua những phương diện:
- Bề ngoài: xinh đẹp, trắng trẻo
- Phẩm chất: thủy chung, son sắt một lòng, không bị cảnh ngộ chi phối
- Thân phận: chìm nổi, bấp bênh giữa cuộc đời.
c) Trong hai nghĩa trên, nghĩa thứ hai mới chính là nghĩa quyết định giá trị của bài thơ. Bời vì nghĩa thứ nhất chỉ là phương tiện để nhà thơ chuyển tải nghĩa thứ hai. Hình ảnh bánh trôi nước là biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam với những vẻ đẹp, phẩm chất trong trắng, son sắt nhưng số phận của họ lại bấp bênh, chìm nổi. Đây mới chính là mục đích sáng tác của nhà thơ và nhờ đó mà bài thơ mới có giá trị tư tưởng.