Xin chào các em! Tiếp tục với chuyên mục soạn Ngữ Văn lớp 10 Tập 1 ngày hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn 1 văn bản sử thi Tây Nguyên. Đó là đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây, các em hãy cùng theo dõi nhé!
I. Tìm hiểu chung
1. Xuất xứ
Đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây thuộc phần giữa của tác phẩm sử thi Đăm Săn kể chuyện Đăm Săn đánh Mtao Mxây cứu vợ về.
2. Thể loại
Sử thi là những tác phẩm tự sự dân gian có quy mô lớn, sử dụng ngôn ngữ có vần, có nhịp, xây dựng những hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng để kể về một hay nhiều biến cố lớn diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân thời cổ đại.
Sử thi dân gian có 2 loại:
- Sử thi thần thoại: là loại sử thi kể về sự hình thành thế giới, sự ra đời của muôn loài, sự hình thành các dân tộc, các vùng cư trú thời cổ đại của họ hoặc cũng có khi kể về sự xuất hiện nền văn minh buổi đầu. Ở nước ta có một số bộ sử thi tiêu biểu cho tiểu loại này như: Đẻ đất đẻ nước (Mường), Ẳm ệt luông (Thái), Cây nêu thần (Mơ-nông),...
- Sử thi anh hùng: là loại sử thi với những câu chuyện kể về cuộc đời và những chiến công hiển hách của người anh hùng – người đại diện cao nhất cho sự giàu có, quyền lực, sức mạnh và ước mơ của cộng đồng người thời cổ đại. Các tác phẩm tiêu biểu của thể loại này là: Đăm Săn, Đăm Di, Xing Nhã, Khinh Dú (Ê- đê), Đam Noi (Ba- na),... Trong số những tác phẩm này thì tác phẩm được biết đến rộng rãi và nổi tiếng hơn cả là sử thi Đăm Săn.
3. Tóm tắt
Đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây kể về chuyện Đăm Săn đánh Mtao Mxây để cứu vợ về: Sau khi về làm chồng hai chị em tù trưởng Hơ Nhị và Hơ Bhị, Đăm Săn đã trở thành một tù trưởng giàu có và uy danh lẫy lừng. Các tù trưởng Kên Kên (Mtao Grứ) và tù trưởng Sắt (Mtao-Mxây) đã lừa lúc Đăm Săn cùng dân làng lên rẫy, ra sông lao động sản xuất đã kéo người tới cướp phá buôn làng của chàng và bắt Hơ Nhị về làm vợ. Cả hai lần ấy Đăm Săn đều tổ chức đánh trả và chiến thắng, vừa cứu được vợ lại vừa sáp nhập được đất đai, của cải của kẻ địch khiến cho oai danh của chàng ngày càng trở nên lừng lẫy, bộ tộc càng giàu có và đông đúc hơn.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Tóm tắt diễn biến trận đánh để so sánh tài năng và phẩm chất của hai tù trưởng:
a) Đăm Săn đến nhà của Mtao Mxây khiêu chiến nhưng Mtao Mxây còn bỡn cợt chàng và chưa chịu giao chiến ngay.
b) Bắt đầu bước vào cuộc chiến:
Hiệp đấu thứ nhất: Hai bên lần lượt múa khiên:
- Mtao Mxây múa trước, tỏ ra kém cỏi, yếu ớt
- Đăm Săn múa khiến tỏ ra mạnh mẽ và tài giỏi hơn
=> Kết quả: Mtao Mxây chạy khắp nơi để tránh đường khiên Đăm Săn múa.
Hiệp đấu thứ hai: Đăm Săn múa khiên: sức mạnh như gió bão, cây giáo đâm liên tiếp vào Mtao Mxây nhưng không thủng.
=> Kết quả: Đăm Săn nhờ sự giúp đỡ của Ông Trời nên đã cắt được đầu của Mtao Mxây. Dân làng Mtao Mxây nhất loạt theo Đăm Săn về ngôi làng mới.
Câu 2:
Rõ ràng, cuộc chiến giữa Đăm Săn và Mtao Mxây mang tính chất thống nhất cộng đồng, chứ không phải là cuộc chiến tranh xâm lược với mục đích tàn sát, cướp bóc và chiếm giữ. Do vậy, chúng ta có thể thấy thái độ và tình cảm của cộng đồng Ê-đê đối với mục đích của cuộc chiến nói chung và đối với người anh hùng sử thi nói riêng cũng hoàn toàn khác nhau:
- Đối với Mtao Mxây: Sau khi tù trưởng của mình thất bại, đông đảo nô lệ đều tâm phục và nghe theo lời của vị tù trưởng mạnh hơn ("không đi sao được!… người nhà giàu cầm đầu chúng tôi nay đã không còn nữa") => Họ luôn mơ ước được sống một cuộc sống ấm no, giàu có và mong có được một người lãnh đạo dũng cảm, tài ba để bảo vệ cho mình.
- Đối với Đăm Săn: Dân làng tưng bừng náo nhiệt chào đón vị anh hùng của mình mới chiến thắng trở về. Họ đi lại sửa soạn vui mừng tấp nập không chỉ để mừng buôn sóc được mở mang, được hùng mạnh và giàu có mà còn để tiếp đón những người nô lệ mới bằng sự chân thành và hoà hợp ("... Các chàng trai đi lại ngực đụng ngực… sao mà vui thế!").
Câu 3:
* Phần cuối của đoạn trích chú ý nhiều đến việc miêu tả cảnh ăn mừng chiến thắng.
* Lựa chọn cách thể hiện nghệ thuật này, tác giả dân gian đã nhận ra được tính tất yếu của cuộc chiến tranh thị tộc. Đó không phải là một cuộc chiến tranh kìm hãm sự phát triển của xã hội Ê-đê, mà trái lại, nó giúp cho những tập thể riêng lẻ có thể hợp thành những tập thể lớn hơn, mạnh hơn và trở thành một dân tộc trưởng thành thực sự.
Bên cạnh đó, cách lựa chọn thể hiện nghệ thuật đó cũng là cách để dân gian ca ngợi tầm vóc và sứ mệnh lịch sử của người anh hùng. Chỉ có những con người ưu tú của thời đại như vậy mới đủ sức đứng lên thống nhất các thị tộc nhỏ lẻ lại với nhau, gom những thị tộc ấy lại thành một cộng đồng lớn mạnh và giàu có.
Câu 4:
Phân tích giá trị miêu tả và biểu cảm của các câu văn có dùng lối so sánh, phóng đại khi miêu tả nhân vật và khung cảnh diễn ra sự việc:
Các phép so sánh:
- So sánh tương đồng: như gió lốc gào, như những vệt sao băng
- So sánh tăng cấp qua những hình ảnh so sánh liên tiếp: tài múa khiên của Đăm Săn, tả số lượng người ngày càng đông đảo,...
- So sánh tương phản: tài múa khiên của Đăm Săn và Mtao-Mxây
- Lối so sánh và miêu tả đòn bẩy để miêu tả tài múa khiên và đề cao nhân vật anh hùng
Ngoài ra, các hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ cũng được đem ra làm chuẩn cho các so sánh với những hình ảnh, sự vật xung quanh cuộc chiến. Dùng hình ảnh của vũ trụ để làm nổi bật lên tầm vóc to lớn của nhân vật anh hùng - một người anh hùng với vẻ đẹp cường tráng bên ngoài và ý chí lớn lao bên trong. Đây cũng chính là nghệ thuật nổi bật của sử thi dân gian khi miêu tả hình tượng người anh hùng.