Xin chào các em! Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa. Văn bản được biên soạn nằm trong chương trình Ngữ Văn 10 Tập 1. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Hướng dẫn soạn bài

Câu 1: Bài 1, 2

a) Hai lời than thân đều mở đầu bằng "Thân em như..." với âm điệu xót xa, ngậm ngùi. Người than thân là những cô gái, những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Họ đều là những người có số phận nhỏ bé, không có quyền định đoạt hạnh phúc của chính bản thân mình.

b) Thân phận có nét chung nhưng nỗi đau của từng người lại mang sắc thái riêng được diễn tả bằng những hình ảnh so sánh, ẩn dụ khác nhau.

Bài ca dao 1:

Mở đầu bằng "Thân em như..." tức là người phụ nữ đã ý thức được sắc đẹp và tuổi xuân của mình. Tuy nhiên, số phận của họ lại rẻ mạt, không có quyền quyết định hạnh phúc của bản thân. Họ giống như "tấm lụa đào" chỉ là một món hàng được bán ngoài chợ.

=> Ý thức được điều đó, người phụ nữ gửi gắm tiếng lòng của mình vào hai câu ca dao. Hai câu ca dao ấy đã nói lên nỗi xót xa và lo lắng cho thân phận mình của người phụ nữ.

Bài ca dao 2:

Bài ca dao khẳng định phẩm chất và vẻ đẹp của con người. Hơn thế nữa, bài ca còn là lời mời mọc da diết của cô gái. Và lời mời mọc ấy chính là khát khao của con người mong muốn được khẳng định giá trị và vẻ đẹp của mình. Tư tưởng bao trùm của bài ca dao này vẫn là nỗi ngậm ngùi chua xót cho thân phận của người con gái trong xã hội xưa.

=> Cả 2 bài ca dao đều nói đến thân phận bấp bênh, trôi nổi và thiệt thòi của người phụ nữ trong xã hội xưa.

Câu 2:

Bài cao dao 3:

a) Cách mở đầu bài ca dao này có điểm khác biệt với 2 bài trên ở chỗ: bài ca dao này mở đầu bằng đại từ phiếm chỉ "Ai", đây là một từ cũng khá quen thuộc trong ca dao xưa.

Thông thường, trong ca dao, đại từ "Ai" thường dùng để chỉ các thế lực ép gả và ngăn cản tình yêu. Và trong bài ca dao này cũng như vậy, đại từ "Ai" ở đây có thể là cha mẹ, là những hủ tục cưới xin hay cũng có thể là chính người tình.

b) Mặc dầu lỡ duyên, tình nghĩa vẫn bền vững, thủy chung. Điều đó được nói lên bằng một hệ thống so sánh, ẩn dụ: mặt trăng, mặt trời, sao Mai, sao Hôm. Đây đều là những hình ảnh của thiên nhiên vũ trụ vĩnh hằng.

Tác giả lấy những hình ảnh của thiên nhiên, vũ trụ để khẳng định tình cảm của con người là bởi tác giả muốn khẳng định tính bền vững và không thay đổi trong quy luật hoạt động của nó. Lấy cái bất biến của vũ trụ, của thiên nhiên để khẳng định cái tình thuỷ chung son sắt của lòng người, đó chính là chủ ý của tác giả dân gian.

c) Câu cuối: "Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời"

Câu thơ này có ý nghĩa: dẫu không đến được với nhau nhưng chàng trai vẫn một lòng chờ cô gái. Dù cho có cách xa nhưng chàng trai vẫn một lòng thủy chung chờ cô gái dẫu biết tình yêu này là không thể. Cũng giống như sao Vượt chờ mặt trăng nhưng mãi mãi không thể đến gần nhau được.

Câu 3:

Bài ca dao số 4:

Thương nhớ vốn là 1 loại tình cảm khó hình dung, đặc biệt là thương nhớ người yêu - vậy mà trong bài ca dao này, nó lại được diễn tả một cách thật cụ thể, tinh tế và gợi cảm. Đó là nhờ các biện pháp nghệ thuật:

  • Nhân hóa: khăn, đèn
  • Hoán dụ: mắt

=> Mượn hình ảnh biểu tượng, cô gái đã kín đáo bộc lộ tình cảm thương nhớ người yêu.

  • Chiếc khăn: được nhắc đến đầu tiên và nhiều nhất, thể hiện nỗi nhớ triền miên, da diết, cùng với đó là sự vận động lên, xuống, rơi, vắt, hiện lên một cách rõ ràng tâm trạng bất an của người con gái.
  • Ngọn đèn: đây chính là hiện thân của nỗi nhớ theo thời gian, giống như tình yêu của cô gái luôn cháy sáng và không bao giờ vụt tắt.
  • Đôi mắt: chính là lời bộc bạch trực tiếp nỗi lòng của người con gái: nhớ thương người yêu nhưng lòng vẫn nặng trĩu ưu tư nên “Mắt ngủ không yên”.

Câu 4:

Bài ca dao số 5:

"Chiếc cầu - dải yếm" là một hình ảnh nghệ thuật chỉ có trong ca dao, nói lên ước muốn mãnh liệt của người bình dân trong tình yêu. Đây chính là lời tỏ tình ý nhị của cô gái, là một câu ca dao rất đẹp và giàu chất thơ. Chúng ta vẫn thường thấy những hình ảnh này xuất hiện trong nhiều câu ca dao như:

Cô kia cắt cỏ bên sông

Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.

hay:

Gần đây mà chẳng sang chơi

Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu.

Sợ rằng chàng chả đi cầu

Cho tốn công thợ, cho sầu lòng em...

Xưa nay, được ở gần nhau luôn là ước mơ chính đáng của các đôi lứa yêu nhau. Có thể nói, ca dao đã thể hiện ước mong đó một cách sâu sắc, duyên dáng. Cô gái ước mong "sông rộng một gang" để "bắc cầu dải yếm" cho chàng sang chơi. Hình ảnh chiếc cầu dải yếm mãnh liệt và cũng là một ý tưởng táo bạo của cô gái.

Câu 5:

Bài ca dao số 6:

* Nói đến tình nghĩa của con người, ca dao sử dụng hình ảnh "muối - gừng" là bởi 2 hình ảnh này được xây dựng từ những hình ảnh có thực trong cuộc sống (gia vị trong bữa ăn). Chúng tượng trưng cho tình nghĩa của con người: sự gắn bó thủy chung khi trải qua hết những "vị" của cuộc sống (Gừng cay – muối mặn).

* Ý nghĩa biểu tượng và giá trị biểu cảm của hình ảnh muối - gừng trong bài ca dao: Là nghĩa tình chung thủy dành cho những cặp vợ chồng, tình nghĩa ấy luôn luôn bền vững, đó là tình nghĩa của những con người đã từng chung sống với nhau, từng cùng nhau trải qua những ngày tháng gừng cay - muối mặn. Có thể nói, hương vị của gừng - muối đã trở thành hương vị của tình người, từ đó, khẳng định lòng thủy chung son sắt, không bao giờ cách xa.

Câu 6:

* Những biện pháp nghệ thuật thường được sử dụng trong ca dao là:

  • Sự lặp lại ở cách mở đầu bài ca dao
  • Những hình ảnh biểu tượng
  • Những hình ảnh so sánh, ẩn dụ, thường được lấy từ trong cuộc sống đời thường hoặc từ thiên nhiên, vũ trụ
  • Sử dụng thể thơ lục bát, lục bát biến thể, thể vãn bối (4 chữ), song thất lục bát (có cả biến thể),...
  • Các mô típ thời gian ly biệt, không gian xa xôi cách trở

* Những biện pháp nghệ thuật này có nét riêng so với nghệ thuật thơ của văn học viết: nó mang nhiều dấu ấn của cộng đồng. Những dấu hiệu nghệ thuật này đều quen thuộc và dễ nhận ra hơn so với văn học viết. Trong khi đó, nghệ thuật trong văn học viết thường mang dấu ấn riêng của từng tác giả.

Chúc các em học tập thật tốt và đạt kết quả thật cao!