Xin chào các em! Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Truyện Kiều - Phần 1: Tác giả Nguyễn Du. Đây là một tác phẩm rất nổi tiếng được nhiều người biết đến và được biên soạn trong chương trình SGK Ngữ Văn 10 Tập 2. Mời các em cùng tham khảo để hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của tác giả Nguyễn Du nhé!
Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
* Cuộc đời của Nguyễn Du: cuộc đời của ông nhiều thăng trầm trong thời đại đầy biến động.
* Những đặc điểm về cuộc đời của Nguyễn Du góp phần lí giải về những thành công trong sáng tác của ông:
- Nguyễn Du xuất thân trong một gia đình quý tộc nhiều đời làm quan. Dòng họ nhà ông có 2 truyền thống lớn là khoa bảng và văn hóa, văn học. Do vậy, có thể nói, Nguyễn Du được thừa hưởng trí tuệ và truyền thống từ dòng họ.
- Cuộc đời nhiều thăng trầm: mồ côi cha mẹ từ nhỏ, từng sống cuộc đời phiêu bạt, sồng gần nhân dân nên ông thấu hiểu được cái nghèo khó của nhân dân, của kiếp người, ông am hiểu ngôn ngữ dân tộc trong đời sống nhân dân. => Tư tưởng nhân đạo trong các tác phẩm.
- Ông làm quan dưới thời nhà Nguyễn, được đi sứ Trung Quốc nên hiểu rộng biết nhiều.
Câu 2:
Những sáng tác chính của Nguyễn Du và đặc điểm chủ yếu của chúng:
* Chữ Hán:
- Thanh Hiên thi tập: gồm 78 bài, viết trong khoảng 10 năm gió bụi ở đất Bắc (buồn đau)
- Nam Trung tạp ngâm: gồm 40 bài, viết trong khoảng thời gian làm quan dưới triều Nguyễn (buồn đau)
- Bắc Hành tạp lục: gồm 131 bài. viết trong chuyến đi sứ bên Trung Quốc (phê phán chế độ phong kiến Trung Hoa; ca ngợi, đồng cảm với người anh hùng, người nghệ sĩ tài hoa, ông cảm thông với những người nghèo khổ, những người phụ nữ tài hoa nhưng bạc mệnh.).
* Chữ Nôm:
- Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều): gồm 3254 câu thơ lục bát
- Văn chiêu hồn: gồm 184 câu, được viết bằng thể thơ song thất lục bát, nội dung mang tư tưởng nhân đạo sâu sắc
* Đặc điểm chung của các sáng tác chính của Nguyễn Du:
- Thể hiện tư tưởng nhân đạo
- Lên án, tố cáo những thế lực đen tối chà đạp con người. Đồng thời, ngợi ca, trân trọng con người và vẻ đẹp kì diệu của tình yêu.