Xin chào các em! Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Tam đại con gà. Đây là một truyện cười rất hay và được biên soạn trong chương trình Ngữ Văn 10 Tập 1. Các em hãy cùng tham khảo nhé!

I. Tìm hiểu chung

* Truyện cười là những truyện dân gian ngắn, có kết cấu chặt chẽ, kết thúc bất ngờ, kể về những sự việc, hành vi trái với tự nhiên của con người, có tác dụng gây cười, nhằm mục đích giải trí và phê phán xã hội.

* Văn bản Tam đại con gà thuộc thể loại truyện trào phúng, hướng sự châm biếm, đả kích vào những kẻ "xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ". Cái xấu, cái dốt càng che đậy thì càng dễ lộ ra và đáng cười hơn rất nhiều lần.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Mâu thuẫn trái tự nhiên của nhân vật "thầy" (anh học trò dốt làm thầy dạy trẻ):

"Thầy" liên tiếp bị đặt vào các tình huống khó xử:

  • Là anh học trò học hành dốt nát mà lại làm thầy đồ đi dạy học trò, dạy chữ nhưng lại “thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì”. Học trò hỏi gấp, thầy đáp liều.
  • Chủ nhà phát hiện "thầy" dạy sai thì ra sức bao biện và giấu dốt

"Thầy" đã giải quyết những tình huống đó như sau:

  • Tình huống 1: "thầy" chọn cách "nói liều", sợ sai bảo học trò đọc nhỏ rồi sau đó thay vì hỏi người giỏi "thầy" lại khấn thổ công.
  • Tình huống 2: khi chủ nhà phát hiện dạy sai, "thầy" vẫn bao biện, "lí sự cùn", giấu dốt, không chịu thừa nhận cái sai của mình.

Trong quá trình giải quyết các tình huống, từ đầu đến cuối "thầy" đều ra sức giấu dốt. Dù có bị đặt vào các tình huống khó xử như thế nào thì "thầy" vẫn cố gắng che giấu, để rồi càng che thì bản chất thật sự càng lộ ra. Đây cũng là mâu thuẫn cơ bản nhất và là yếu tố chính để gây cười. Ở đây, ta thấy được sự phi lí trong cả lời nói và hành động của "thầy". Đây chính là một thủ pháp nghệ thuật được sử dụng.

Câu 2:

Ý nghĩa phê phán của truyện:

Truyện không chỉ phê phán anh học trò dốt mà còn phê phán tật xấu là giấu dốt và không chịu học hỏi, không chịu tiếp thu của một bộ phận nhân dân. Qua câu chuyện cũng khuyên mọi người chúng ta khi đang đi học thì không nên giấu dốt, hãy biết thừa nhận cái sai của mình và biết lắng nghe, biết học hỏi từ người khác.

Ngoài ra, cái gây cười trong truyện ngắn này chủ yếu vẫn mang tính chất giải trí. Chúng ta cười sự ngây ngô và liều lĩnh của thầy đồ, chứ không có tính đả kích gay gắt.