Xin chào các em! Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Chuyện chức phán sự đền Tản Viên. Đây là một tác phẩm rất hay và nổi tiếng của Nguyễn Dữ, được biên soạn trong chương trình Ngữ Văn 10 Tập 2. Các em hãy cùng tham khảo để chuẩn bị cho bài giảng trên lớp của thầy, cô giáo thật tốt nhé!
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả: Nguyễn Dữ (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Nguyễn Dữ trong SGK Ngữ Văn 10 Tập 2).
2. Tác phẩm
* Thể loại: Chuyện chức phán sự đền Tản Viên cũng như các truyện của Truyền kì mạn lục, thuộc thể loại truyền kỳ.
* Tóm tắt:
Ngô Tử Văn vốn là một kẻ sĩ khảng khái, chính trực. Trong làng có một ngôi đền thiêng. Từ khi có một tên tướng giặc nhà Minh tử trận ở gần đền, hồn của hắn tác quái. Tức giận, Tử Văn châm lửa đốt đền để trừ hại cho dân. Sau khi đốt đền, Tử Văn lên cơn sốt mê man, chàng thấy tên hung thần đòi trả đền và đe dọa bắt chàng xuống âm phủ. Thổ công bày tỏ thái độ cảm phục trước hành động dũng cảm của Tử Văn, mách chàng về tung tích, tội ác tên hung thần và cách đối phó. Đến đêm, khi bệnh nặng thêm, Tử Văn thấy hai tên quỷ đến bắt chàng xuống âm phủ. Trước Diêm Vương, Tử Văn đã tố cáo tội ác của tên hung thần để hắn bị trừng trị. Thổ công được phục chức, lính đưa Tử Văn trở về trần gian. Một tháng sau, Thổ công tiến cử Tử Văn giữ chức phán sự đền Tản Viên để tạ ơn.
* Bố cục: Văn bản có thể được chia làm 4 phần:
- Phần 1: từ đầu -> "vung tay không cần gì cả" : Tử Văn đốt đền.
- Phần 2: tiếp -> "thầy cũng khó lòng thoát nạn" : Tư Văn với viên Bách họ họ Thôi và Thổ công.
- Phần 3: tiếp -> "sai lính đưa Tử Văn về" : Tử Văn thắng kiện và được trở về trần gian.
- Phần 4: còn lại : Tử Văn từ đó trở thành phán sự đền Tản Viên.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Việc làm của nhân vật Ngô Tử Văn có ý nghĩa:
- Ý kiến A: không đúng bởi hành động của Tử Văn chỉ là đả phá sự ngu tín của nhân dân khi họ tin vào cả những thần ác, thần bất chính, chứ không hề có ý định đả phá tập tục thờ cúng thần linh nói chung của nhân dân.
- Ý kiến B và D: đều đúng bởi truyện đã giới thiệu, Tử Văn là một người có tính khảng khái, nóng nảy, cương trực, diệt trừ hồn ma của tên giặc cũng là diệt trừ kẻ thù cho đất nước, để nhân dân được sống yên ổn.
- Ý kiến C: không đúng bởi vì việc Tử Văn tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi mới châm lửa đốt đền chứng tỏ chàng đã suy xét rất kỹ lưỡng trước khi hành động, chứ không phải đó là do sự hiếu thắng của tuổi trẻ.
Câu 2:
* Chi tiết Diêm Vương xử kiện ở âm phủ nói lên:
- Ý kiến A: thể hiện niềm tin của con người trung đại vào việc có một thế giới khác: thế giới cai trị của Diêm Vương phán xét công bằng.
- Ý kiến B: thể hiện khát vọng công lý chưa thực hiện được trong cuộc sống trần thế của người xưa: Diêm Vương sẽ luôn đem lại công lý cho người bị oan.
- Ý kiến C: nhằm đẩy xung đột kịch tính của truyện đến cao trào: giúp cho nhân vật chính có cơ hội bộc lộ bản lĩnh, tính cách, khắc sâu tư tưởng truyện.
- Ý kiến D: khuyên răn, giáo dục con người nên sống và hành động đúng đắn, hợp lẽ phải, tránh làm điều ác.
=> Ý kiến đúng là cả A, B, C, D.
Câu 3:
Chi tiết Ngô Tử Văn được nhận chức phán sự ở đền Tản Viên có ý nghĩa: sự đền đáp xứng đáng dành cho con người đã dũng cảm đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác. Đồng thời, chi tiết này cũng có ý nghĩa noi gương cho các thế hệ sau, khích lệ mọi người cần phải đấu tranh chống lại cái ác, bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải.
Câu 4:
Nghệ thuật kể chuyện đặc sắc, hấp dẫn của Nguyễn Dữ:
- Cốt truyện giàu kịch tính, kết cấu chặt chẽ, logic
- Đan xen các yếu tố kì ảo dày đặc: chuyện người đan xen chuyện thần, ma, địa ngục, trần gian,...
- Câu chuyện có thắt nút và mở nút tạo hứng thú cho người đọc
- Cách dẫn truyện khéo léo, biến hóa
Câu 5:
Chủ đề của truyện: Đề cao tinh thần khảng khái, cương trực, dũng cảm, dám đấu tranh chống lại cái ác của nhân vật Ngô Tử Văn - đại diện cho lớp người trí thức Việt giàu tinh thần dân tộc, yêu chuộng chính nghĩa. Đồng thời, truyện cũng thể hiện niềm tin vào công lý, chính nghĩa nhất định sẽ chiến thắng gian tà.