Xin chào các em! Sau đây, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Thề nguyền. Đây cũng là một trích đoạn trong kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du và được biên soạn trong chương trình Ngữ Văn 10 Tập 2. Mời các em cùng tham khảo!
I. Tìm hiểu chung
* Vị trí đoạn trích: Đoạn trích Thề nguyền được trích từ câu 431 đến 452 với nội dung là nói về đêm thề nguyền giữa Kiều và Kim Trọng, 2 người thề nguyện gắn bó chung thủy suốt đời.
* Bố cục: Đoạn trích có thể được chia làm 2 phần:
- Phần 1: 14 câu đầu: Kiều trở lại nhà Kim Trọng.
- Phần 2: 8 câu cuối: Cảnh Kim - Kiều thề nguyền.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Hàm nghĩa của các từ vội, xăm xăm, băng: một phần là diễn tả tâm trạng và tình cảm của Thúy Kiều, một phần diễn tả những động tác vội vàng, khẩn trương đi theo tiếng gọi của tình yêu và bất chấp những quan niệm hà khắc của lễ giáo phong kiến.
Câu 2:
Không gian thơ mộng và thiêng liêng của cuộc thề nguyền được Nguyễn Du miêu tả:
- Không gian là trong nhà, giữa một đêm trăng sáng, ngọn đèn với ánh sáng dìu dịu, hiu hắt.
- Có tờ giấy viết lời thề, có đài sen, lò đào thêm hương, trao kỉ vật tóc mây.
- Vầng trăng thiên nhiên chính là nhân thức cho cuộc thề nguyền giữa 2 người
Trong không gian đó, hai mái đầu xanh cùng ngước lên trời cao, vầng trăng sáng vằng vặc giữa trời chứng giám cho lời thề gắn bó keo sơn của họ, chứng giám cho tình yêu tự nguyện và sự chung thuỷ, thiêng liêng sâu nặng của họ.
Câu 3:
Liên hệ với trích đoạn Trao duyên để chỉ ra tính chất logic nhất quán trong quan niệm về tình yêu của Kiều:
Đoạn trích này có một sự liên hệ khá chặt chẽ với đoạn trích Trao duyên. Có cuộc thề nguyền thì Thúy Kiều mới có những kỉ vật trao cho Thúy Vân. Tình yêu Kim – Kiều có gắn bó, mang màu sắc tâm linh (vầng trăng chứng giám). Kiều chân thành, tôn thờ và thủy chung với tình yêu. Nàng dám nghĩ, dám sống và cũng dám hi sinh vì tình yêu. Đó chính là quan niệm mới mẻ trong văn học trung đại mà Nguyễn Du muốn thể hiện thông qua Kiều.