Xin chào tất cả các em! Sau đây, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy nhé. Đây là một truyền thuyết rất hay và hầu như chúng ta đều đã từng nghe qua hoặc đã từng đọc rồi đúng không nào? Văn bản được biên soạn nằm trong chương trình Ngữ Văn 10 Tập 1, các em hãy cùng theo dõi nhé!
I. Tìm hiểu chung
1. Xuất xứ: Văn bản được trích trong Truyện Rùa Vàng trong Lĩnh Nam chích quái - một sưu tập truyện dân gian ra đời vào cuối thế kỷ XV.
2. Thể loại: truyền thuyết, với các đặc trưng cơ bản như:
- Phản ánh lịch sử một cách độc đáo: được hư cấu, khúc xạ theo quan niệm, cảm xúc của nhân dân, có xen lẫn yếu tố thần kỳ
- Để có thể hiểu đúng truyền thuyết, chúng ta cần đặt nó trong mối quan hệ với môi trường lịch sử, văn hóa mà nó sinh ra.
3. Tóm tắt:
Sau khi giúp An Dương Vương xây dựng xong Loa Thành, trước khi ra về, thần Kim Quy còn tặng cho chiếc vuốt để làm lẫy nỏ thần. Chính nhờ có nỏ thần, An Dương Vương đã đánh bại quân Triệu Đà khi chúng sang xâm lược. Khi đó, Triệu Đà cầu hôn Mị Châu cho Trọng Thuỷ, vua vô tình đồng ý. Trọng Thuỷ đã dỗ Mị Châu cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm đổi mất lẫy thần mang về phương Bắc. Sau đó, Triệu Đà phát binh sang đánh Âu Lạc. Vì đã không còn nỏ thần nên An Dương Vương thua trận, cùng Mị Châu chạy về phương Nam. Thần Kim Quy hiện lên kết tội Mị Châu, vua chém chết con rồi đi xuống biển. Mị Châu chết, máu chảy xuống biển thành ngọc trai. Trọng Thuỷ mang xác vợ về chôn ở Loa Thành, xác liền biến thành ngọc thạch. Vì quá tiếc thương Mị Châu, Trọng Thuỷ lao đầu xuống giếng mà chết. Người đời sau mò được ngọc trai, rửa bằng nước giếng ấy thì ngọc trong sáng thêm.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
* Những chi tiết liên quan đến nhân vật An Dương Vương:
- An Dương Vương xây thành nhưng thất bại
- Rùa vàng giúp An Dương Vương xây thành và chế nỏ thần
- An Dương Vương nhờ có nỏ thần nên đánh thắng Triệu Đà lần thứ nhất
- Lần thứ hai, An Dương Vương chủ quan khi Triệu Đà đem quân xâm lược
- An Dương Vương thất bại và chém chết con gái mình là Mị Châu
a) An Dương Vương được thần linh giúp đỡ bởi nhà vua đã có ý thức đề cao cảnh giác, sớm lo việc xây thành đắp lũy và chuẩn bị vũ khí để chống giặc ngoại xâm.
Kể về sự giúp đỡ thần kỳ đó, nhân dân ta đã tỏ lòng ca ngợi công lao của An Dương Vương và rất tự hào về việc xây thành, chế nỏ. Đồng thời cũng góp phần ca ngợi những chiến công trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước của dân tộc ta.
b) Sự mất cảnh giác của nhà vua được biểu hiện là:
- Lần thứ nhất: vua không nghi ngờ gì đã đồng ý kết thông gia với Triệu Đà, mở đường cho con trai của kẻ thù lọt vào làm nội gián
- Lần thứ hai: khi Triệu Đà kéo quân đến, An Dương Vương ỷ vào nỏ thần mà không hề đề phòng nên bại trận.
c) Sáng tạo những chi tiết về Rùa Vàng và Mị Châu, nhà vua tự tay chém đầu con gái, nhân dân ta muốn biểu lộ thái độ kính trọng đối với vị vua anh hùng, dũng cảm, đã sẵn sàng hi sinh những tình cảm riêng tư để giữ tròn khí tiết và danh dự trước non sông đất nước. Qua đó, nhân dân ta cũng phê phán những thái độ chủ quan, mất cảnh giác của Mị Châu, đồng thời cũng là lời giải thích "nhẹ nhàng" nhằm xoa dịu nỗi đau mất nước.
Câu 2: Về việc Mị Châu lén đưa cho Trọng Thủy xem nỏ thần, theo em, cả hai đánh giá đều chưa thực sự thỏa đáng.
- Đánh giá thứ nhất: Mị Châu làm vậy chỉ là thuận theo tình cảm vợ chồng mà bỏ quên nghĩa vụ đối với đất nước => Nếu chấp nhận cách đánh giá này thì chúng ta có thể thấy lỗi của Mị Châu là rất lớn. Nàng sẽ là một người vì tình riêng mà không có trách nhiệm với quốc gia, không quan tâm đến vận mệnh dân tộc. Một công dân như thế thì dù trong bất kỳ một thời đại nào cũng không thể chấp nhận được.
- Đánh giá thứ hai: Mị Châu làm theo ý chồng là lẽ tự nhiên, hợp lý => cách đánh giá này xuất phát từ luân lí của chế độ phong kiến. Đó là phụ nữ phải "xuất giá tòng phu" - khi lấy chồng, phải tuyệt đối nghe theo lời chồng.
=> 2 đánh giá trên đều không hề thỏa đáng. Bởi Mị Châu là một nạn nhân đáng thương trong một mưu đồ chính trị. Nàng nhẹ dạ, cả tin, ngây thơ và khờ dại. Vì tin tưởng chồng một cách trọn vẹn nên Mị Châu đã mắc sai lầm. Đối với quốc gia, nàng có tội lớn, không thể tha thứ được. Nhưng trong truyện có chi tiết lời nguyền của nàng trước khi chết được ứng nghiệm đã nói lên rằng: Người Việt Nam không ai chịu bán nước mà họ chỉ bị kẻ địch lợi dụng mà thôi. Chính vì thế, Mị Châu cũng rất xứng đáng được chúng ta cảm thông và nàng đáng thương nhiều hơn đáng trách.
Câu 3:
Mị Châu bị thần Rùa Vàng kết tội là giặc, lại bị vua cha chém đầu, nhưng sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch. Chi tiết này cho thấy hai cái nhìn tưởng như là trái ngược nhưng lại rất thống nhất của tác giả dân gian. Bởi Mị Châu bị trừng trị là một kết thúc dứt khoát, nhân dân ta đã tuyên án và thi hành bản án của lịch sử. Cách kết thúc này xuất phát từ truyền thống yêu nước và lòng thiết tha với độc lập tự do của người Việt ta.
Tuy nhiên, xét cho cùng, Mị Châu cũng chỉ là một nạn nhân đáng thương, Mị Châu được "hồi sinh" nhờ sự bao dung của nhân dân ta. Kết thúc ấy thể hiện niềm cảm thông với sự trong trắng ngây thơ của nàng công chúa đáng thương.
=> Qua câu chuyện của Mị Châu, tác giả dân gian muốn nhắn gửi tới thế hệ trẻ muôn đời trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tình nhà với nghĩa nước, giữa cái riêng với cái chung.
Câu 4:
Trọng Thủy gây nên sự sụp đổ cơ đồ Âu Lạc và cái chết của Mị Châu. Hình ảnh "ngọc trai - giếng nước" là một hình ảnh đẹp và giàu ý nghĩa. Nó là một sự kết thúc hoàn mỹ cho một mối tình và cũng là lời giải oán cho tội “bán nước” của Mị Châu. Chi tiết "ngọc trai" đã chứng thực cho tấm lòng trong sáng của Mị Châu. Việc Trọng Thủy gieo mình xuống giếng nước đã thể hiện sự hối hận của nhân vật khi đã phụ người vợ của mình. Còn việc ngọc trai kia đem rửa trong nước giếng này lại càng sáng đẹp hơn còn nói lên rằng Trọng Thủy đã tìm được lời hóa giải trong tình cảm của Mị Châu ở thế giới bên kia. Nếu đứng ở bình diện này, ta càng thấy thương xót cho mối tình của Mị Châu – Trọng Thủy.
Câu 5:
"Cốt lõi lịch sử" của truyện là: việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa và sự thực về sự thất bại của Âu Lạc trước sự xâm lược của Triệu Đà.
"Cốt lõi lịch sử" đó đã được dân gian làm cho sinh động và hấp dẫn hơn bằng các yếu tố thần kỳ, cụ thể: chuyện xây thành, chế nỏ; chuyện về cái chết của An Dương Vương và của Mị Châu; chi tiết về " Ngọc trai - giếng nước",... Chính việc thêm vào truyện các chi tiết thần kì này đã giúp cho câu chuyện thêm hấp dẫn và sinh động. Nó cũng thể hiện một cái nhìn bao dung của nhân dân ta với các nhân vật lịch sử và với tất cả những gì đã xảy ra.
Chúc các em học tập tốt!