Xin chào các em! Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Nhàn. Đây là một bài thơ rất hay và nổi tiếng của Nguyễn Bỉnh Khiêm và được biên soạn trong chương trình Ngữ Văn 10 Tập 1. Các em hãy cùng theo dõi nhé!
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả: Nguyễn Bỉnh Khiêm (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả trong SGK Ngữ Văn 10 Tập 1).
2. Tác phẩm
Nhàn là một bài thơ Nôm nằm trong Bạch Vân quốc ngữ thi. Nhan đề bài thơ do người sau đặt.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
* Cách dùng số từ, danh từ trong câu thơ thứ nhất và nhịp điệu 2 câu thơ đầu có những điểm đáng chú ý là:
- Số từ trong câu thơ là "một...một...một...": cho thấy tác giả là một con người biết chủ động trong công việc.
- Nhịp thơ 2/2/3 tạo nên sự thảnh thơi và nhàn nhã
- Chữ "ai" ở câu thơ thứ hai dùng để nói với người: cho dù người ta có "vui thú nào" thì ông vẫn luôn vui vẻ với cuộc sống thôn dã của mình
* Qua 2 câu thơ đầu, cho ta thấy hoàn cảnh sống và tâm trạng của tác giả ở nơi thôn quê dân dã. Ông luôn cảm thấy vui vẻ với cuộc sống "tự cung tự cấp" của mình. Đồng thời, hai câu thơ đầu cũng cho thấy sự ngông ngạo trước thói đời. Ngông ngạo mà không ngang tàn, ông vẫn cứ thuần hậu và nguyên thủy.
Câu 2:
* Nơi "vắng vẻ" và chốn "lao xao":
- Nơi "vắng vẻ": là nơi không có người cầu cạnh ta và ta cũng không cầu cạnh người. Đó là nơi tĩnh tại của thiên nhiên và là nơi thảnh thơi của tâm hồn.
- Chốn "lao xao": là chốn quan trường, là những nơi sang trọng, đầy những thủ đoạn, bon chen, luồn lọt, sát phạt.
* Chúng ta thấy quan niệm của tác giả về "dại" và "khôn" là: tác giả tự nhận mình là người "dại", chấp nhận mọi điều tiếng xấu của người đời để tìm về những nơi "vắng vẻ". Còn những người "khôn" họ đến chốn "lao xao". Nguyễn Bỉnh Khiêm đã quá trải đời, ông đã chứng kiến sự bon chen và trói buộc của vòng danh lợi chật hẹp. Tác giả tự nhận mình là "dại", nhưng thực chất ông lại là "khôn", điều đó cũng giống như những con người cứ luẩn quẩn trong vòng danh lợi, cứ mãi bon chen, nghĩ rằng mình là "khôn" nhưng thực chất lại là "dại".
* Tác dụng biểu đạt ý của nghệ thuật đối trong hai câu thơ 3 và 4: tạo nên sự so sánh giữa hai triết lí sống, qua đó khẳng định triết lí sống của tác giả.
Câu 3:
* Các sản vật và khung cảnh trong hai câu thơ 5, 6 có những điểm đáng chú ý là:
- Thức ăn, sản vật dân dã: măng trúc, giá đỗ
- Cảnh sinh hoạt: thích tắm hồ, tắm ao như bao người dân quê khác
=> Hai câu thơ 5 và 6 cho thấy cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm là một cuộc sống dân dã, đạm bạc mà thanh cao. Sự đạm bạc ở những thức ăn cây nhà lá vườn, tự mình làm ra, là công sức của chính mình. Cuộc sống tự nhiên mùa nào thức ấy, không hề nặng nề, ảm đạm mà trái lại nó rất thanh cao và bình dị.
Câu 4:
* Hai câu thơ cuối thể hiện vẻ đẹp trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông là một bậc thức giả uyên thâm, là người đã từng vào ra chốn quan trường, đã quá hiểu được cái quy luật biến dịch của cuộc đời, hiểu được rằng danh lợi chỉ là phù du. Do đó, ông đã phủi tay với vòng danh lợi, tìm đến sự tĩnh lặng cho tâm hồn và cùng hòa hợp với thiên nhiên. Có thể nói, đây là cái nhìn của một nhân cách lớn, của một con người có trí tuệ lớn.
Câu 5:
* Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là: sống hòa hợp với thiên nhiên và xa lánh nơi quyền quý, chốn quan trường để giữ cốt cách thanh cao.
* Quan niệm sống của ông là quan niệm hoàn toàn tích cực. Với ông, sống nhàn không có nghĩa là không quan tâm đến xã hội, chỉ lo cuộc sống nhàn tản của bản thân mà sống nhàn là cuộc sống xa lánh nơi quyền quý, rời khỏi vòng danh lợi, sống hòa hợp với tự nhiên. Cuộc sống như vậy mặc dù sẽ vất vả nhưng nó đem đến cho ông sự thoải mái trong tâm hồn, giữ được nhân cách thanh cao trong đời mình.