Xin chào các em! Sau đây, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn 1 văn bản rất quen thuộc với tuổi thơ của chúng ta. Đó là văn bản: Tấm Cám - một truyện cổ tích rất nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam. Văn bản được biên soạn trong chương trình Ngữ Văn 10 Tập 1. Các em hãy cùng tham khảo bài soạn nhé!

I. Tìm hiểu chung

1. Thể loại: Văn bản Tấm Cám thuộc thể loại truyện cổ tích.

Truyện cổ tích là những tác phẩm tự sự dân gian mà cốt truyện và hình tượng được hư cấu có chủ định, kể về số phận của những con người bình thường trong xã hội có giai cấp, thể hiện tinh thần nhân đạo và lạc quan của nhân dân lao động.

Truyện cổ tích được chia làm 3 loại:

  • Cổ tích về loài vật
  • Cổ tích sinh hoạt
  • Cổ tích thần kỳ

Trong đó, cổ tích thần kỳ là phong phú nhất và chiếm số lượng nhiều nhất.

2. Bố cục của truyện

Gồm 3 phần chính:

  • Phần 1: từ đầu => "như lời Bụt dặn" : Cuộc đời và số phận của Tấm, Tấm luôn được Bụt giúp đỡ.
  • Phần 2: tiếp => "hằn học của mẹ con Cám" : Vật báu trả ơn. Hạnh phúc đã đến với Tấm.
  • Phần 3: còn lại: Cuộc đấu tranh không khoan nhượng qua những kiếp hồi sinh của Tấm.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

* Phân tích diễn biến của truyện: Diễn  biến của truyện có thể chia làm 2 giai đoạn:

  • Từ đoạn truyện cái yếm đỏ đến đoạn truyện Tấm đi hội: phản ánh mâu thuẫn sâu sắc giữa Tấm và mẹ con Cám xoay quanh những sự việc diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Mẹ con Cám bóc lột Tấm cả về vật chất lẫn tinh thần.
  • Giai đoạn 2 liên quan đến cái chết của Tấm và sự hóa thân của nàng: cho thấy mâu thuẫn lúc này không phải đơn giản chỉ là mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình mà nó đã được phát triển rộng hơn, trở thành mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn giai cấp.

* Qua diễn biến như vậy, chúng ta có thể thấy được xu hướng phát triển của 2 tuyến nhân vật:

  • Tấm: từ một cô gái chỉ biết vâng lời, có những hành động phản kháng yếu ớt đã trở nên mạnh mẽ, quyết liệt hơn, biết chủ động đấu tranh giành lại hạnh phúc cho bản thân.
  • Mẹ con Cám: độc ác, tàn nhẫn, không từ bất kỳ thủ đoạn nào để hãm hại Tấm, muốn giết Tấm.

Câu 2:

* Phân tích từng hình thức biến hóa của Tấm:

Sau khi chết, Tấm biến hóa thành các vật: chim vàng anh, hai cây xoan đào, khung cửi, quả thị.

=> Sự hóa thân ấy đã cho thấy quan niệm về sự đồng nhất giữa người và vật, cũng như sức sống mãnh liệt mà không thế lực nào có thể tiêu diệt được. Đặc biệt là, qua sự hóa thân của Tấm, nhân dân ta đã gửi gắm quan niệm: cái chết không phải là sự kết thúc, hơn nữa, những người chết oan ức vẫn sẽ đấu tranh ngay cả khi họ đã chết.

* Ý nghĩa quá trình biến hóa của Tấm:

Quá trình biến hóa của Tấm cho chúng ta thấy sự ảnh hưởng của thuyết luân hồi và thuyết nhân quả trong đạo Phật. Cụ thể là những người "ở hiền" thì sẽ "gặp lành", do vậy, sau 4 lần hóa thân, Tấm đã được trở lại làm người. Qua đây, chúng ta có thể thấy tư tưởng này đã được nhân dân ta cải tiến và trở nên thiết thực hơn. Tấm đã thực sự tìm được hạnh phúc ở kiếp này chứ không phải ở thế giới bên kia hay bất kỳ một thế giới nào khác.

Câu 3:

Hành động trả thù của Tấm đối với Cám:

Theo em, mâu thuẫn giữa Tấm với Cám là một mâu thuẫn rất gay gắt, không có cách nào giải hòa mà chỉ có một mất một còn. Do vậy, Tấm chỉ có 2 sự lựa chọn, một là trả thù Cám (Cám chết) và hai là Tấm chết. Bởi vậy, hành động trả thù của Tấm đối với Cám không chỉ là vấn đề trả thù nữa, mà đó còn là vấn đề sinh tồn.

Và qua hành động trả thù của Tấm đối với Cám, nhân dân ta cũng muốn gửi gắm một quan niệm: ác giả ác báo, gieo nhân nào gặt quả ấy. Có thể nói, Cám đã nhận được sự trừng phạt thích đáng sau những gì mà Cám đã gây ra cho Tấm.

Câu 4:

Bản chất của mâu thuẫn và xung đột trong truyện:

  • Trước hết là mâu thuẫn và xung đột trong gia đình phụ quyền thời cổ: mâu thuẫn giữa dì ghẻ với con chồng. Thông thường, nguyên nhân của mâu thuẫn này xuất phát từ vấn đề kế thừa tài sản cũng như hưởng các quyền lợi về vật chất của các thành viên trong gia đình.
  • Mâu thuẫn xã hội: mâu thuẫn về quyền lợi và địa vị, các giai cấp trong xã hội. Tuy nhiên, mâu thuẫn này có khá mờ nhạt.
  • Mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác: ý nghĩa chung nhất của tác phẩm được toát lên chính bởi mâu thuẫn này. Mâu thuẫn giữa người lương thiện và những kẻ độc ác, bất lương.