Xin chào các em! Trong chuyên mục soạn văn ngày hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Uy-lít-xơ trở về. Văn bản này được biên soạn nằm trong chương trình Ngữ Văn 10 Tập 1. Các em hãy cùng tham khảo nhé!

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả: Hô-me-rơ - nhà thơ mù của Hi Lạp sống vào khoảng thế kỉ IX và VIII trước Công nguyên. Ông sinh trưởng trong một gia đình nghèo bên kia sông Mê-lét. Hai bộ sử thi đồ sộ I-li-at và Ô-đi-xê là những công hiến của ông cho văn học.

2. Tác phẩm: Văn bản thuộc chương 23 của tác phẩm Ô-đi-xê. Kể về quá trình sau khi Ô-đi-xê rời đất Phen-xi và được nữ thần A-tê-na giúp đỡ đã trở về quê hương I-tát. Tại đây, chàng đã tiêu diệt được 108 bọn cầu hôn và gặp được Pê-nê-lốp - người vợ yêu quý của chàng.

3. Bố cục:

  • Phần 1: từ đầu => "người giết chúng": tác động của nhũ mẫu với nàng Pê-nê-lốp
  • Phần 2: tiếp => "người kia gan dạ": tác động của  Tê-lê-mác với mẹ
  • Phần 3: còn lại: cuộc đấu trí qua thử thách giữa Uy-lít-xơ và Pê-nê-lốp và gia đình đoàn tụ.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Bố cục của văn bản như trên.

Câu 2:

* Tâm trạng của Uy-lít-xơ khi trở về gặp lại vợ mình được biểu hiện: chàng vừa mừng rỡ, hồi hộp, vui sướng, nhưng vẫn rất bình tĩnh và sáng suốt. Chàng đóng vai người hành khất, bình tĩnh lập mưu kế cùng cậu con trai là Tê-lê-mác giết chết bọn cầu hôn láo xược và những giai nhân phản bội. Khi gặp lại vợ, chàng vẫn bình tĩnh, cố kiên nhẫn chờ Pê-nê-lốp nhận ra mình. Cái mỉm cười của Uy-lít-xơ “Nghe nàng nói vậy, Uy-lít-xơ cao quý và nhẫn nại mỉm cười” cho thấy trí tuệ và nhân phẩm cao quý của chàng.

=> Qua đó, chúng ta thấy Uy-lít-xơ là một con người khôn ngoan, sáng suốt, có phẩm chất cao quý, là một người rất giàu tình cảm, rất yêu vợ và trân trọng cuộc sống gia đình.

Câu 3:

* Pê-nê-lốp lại "rất đỗi phân vân" là vì nếu những vị hành khất thực sự là chồng nàng thì tại sao trong lần gặp trước lại không nói ra. Hơn thế nữa, nếu Pê-nê-lốp vội vã mà nhận lầm thì danh dự của nàng sẽ bị tổn thương rất lớn – đây là điều tối kị của Hy Lạp.

* Việc chọn cách thử "bí mật của chiếc giường" cho chúng ta thấy phẩm chất cao quý, vẻ đẹp về trí tuệ, sự bình tĩnh, tự tin, sự quyết đoán và luôn chủ động trong mọi tình huống của Pê-nê-lốp.

Pê-nê-lốp đã phải dùng đến cách thử "bí mật của chiếc giường" trong màn nhận mặt.  Bởi bí mật ấy giúp giải đáp được nhiều mối nghi ngờ. Trước hết, giúp Pê-nê-lốp biết đó không phải là Uy-lít-xơ giả. Không những thế, đó còn là minh chứng cho lòng chung thủy của nàng. Nếu chiếc giường đã bị chuyển đi hoặc đã không còn là bí mật của riêng hai vợ chồng nữa thì cũng có nghĩa là phẩm giá của Pê-nê-lốp cũng không còn nguyên vẹn. Phép thử ấy không những chỉ nói lên phẩm chất kiên trinh của Pê-nê-lốp mà còn khắc sâu sự bền vững của tình cảm gia đình, tình cảm vợ chồng cha con.

=> Qua hành động phép thử của Pê-nê-lốp cũng giúp chúng ta nhận ra được tính chất phức tạp của thời đại, nơi mà những nguy hiểm luôn rình rập và đe dọa con người.

Câu 4:

* Cách kể của Hô-me-rơ qua đoạn trích thể hiện đặc trưng của phong cách kể chuyện sử thi, vừa chậm rãi, vừa tỉ mỉ, trang trọng.

* Biện pháp nghệ thuật được sử dụng để khắc họa phẩm chất của nhân vật là: hình thức gọi nhân vật bằng cụm danh – tính từ rất phổ biến trong sử thi Hi Lạp, cụ thể như: Pê-nê-lốp thận trọng, nhũ mẫu Ơ-ri-clê hiền thảo, Uy-lít-xơ cao quý và nhẫn nại,... Chính điều này đã tạo cho sử thi một phong cách riêng, hấp dẫn, đặc sắc, đồng thời, giúp bộc lộ phẩm chất cao đẹp của các nhân vật trong tác phẩm.

* Biện pháp nghệ thuật đã được sử dụng ở khổ cuối của đoạn trích ("Dịu hiền... buông rời") là: biện pháp so sánh có đuôi dài (hay còn gọi là so sánh mở rộng). Tức là vế so sánh được nói trước, dài hơn với hình ảnh cụ thể, sinh động, như cái đòn bẩy nghệ thuật, tạo hiệu quả cao cho câu văn.

Chúc các em học tập thật tốt và đạt được kết quả thật cao!