Xin chào các em! Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản thuộc thể loại kịch trong chương trình Ngữ văn 9 Tập 1 mang tên Bắc Sơn. Các em hãy cùng tham khảo để chuẩn bị thật tốt cho bài giảng trên lớp của thầy cô nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Nguyễn Huy Tưởng trong SGK Ngữ văn 9 Tập 2).

2. Tác phẩm

* Xuất xứ: Đoạn trích Bắc Sơn được trích từ tác phẩm kịch Bắc Sơn gồm 5 hồi, văn bản trong SGK là hai lớp của hồi 4, thể hiện cuộc đấu tranh nội tâm của Thơm và hành động cứu hai người cán bộ cách mạng của cô.

* Thể loại: Kịch (về những đặc điểm của thể loại kịch mời các em tham khảo trong SGK).

* Tóm tắt (các em xem lại phần tóm tắt trong SGK).

* Bố cục:

  • Lớp I: Hoàn cảnh của Thơm
  • Lớp II: Thái và Cửu - hai cán bộ cách mạng bị truy đuổi, chạy vào nhà Thơm.
  • Lớp III: Thơm đóng kịch qua mắt Ngọc - Ngọc sấp ngửa ra đi.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Diễn biến sự việc và hành động trong các lớp kịch ở hồi 4:

Những sự việc diễn ra ở hồi 4 chủ yếu ở gia đình của Thơm và Ngọc. Trước cái chết của cha, Thơm dần nhận ra bộ mặt phản bội của Ngọc. Cô cảm thấy vô cùng đau xót và ân hận. Hôm đó, Thái và Cửu bị giặc truy bắt đã chạy nhầm vào nhà Thơm, được Thơm che giấu cứu thoát.

Câu 2:

* Trong các lớp kịch này, tác giả đã xây dựng được một tình huống bất ngờ, gay cấn. Tình huống đó là: Thái và Cửu bị giặc truy đuổi chạy đúng vào nhà của Thơm.

* Tình huống đó đã bộc lộ rõ xung đột kịch và có tác dụng thúc đẩy hành động kịch, buộc nhân vật Thơm phải có thái độ dứt khoát đứng về phía cách mạng. Có thể nói, trong hoàn cảnh bị địch truy bắt, lòng tin của những người cán bộ cách mạng đối với quần chúng nhân dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng, liên quan đến sinh mệnh của mỗi người, nói rộng hơn nữa là liên quan đến sự thành bại của cách mạng.

Câu 3:

* Tâm trạng và hành động của nhân vật Thơm:

  • Hoàn cảnh: cha và em trai của Thơm đã hi sinh, mẹ của cô thì hóa điên bỏ đi. Còn người thân duy nhất của cô là chồng mình thì lại đang dần lộ ra bộ mắt Việt gian phản quốc.
  • Tâm trạng: Thơm cảm thấy day dứt, ân hận bao nhiêu về cái chết của cha, của em và nỗi lo lắng về mẹ thì nỗi nghi ngờ chồng lại chồng chất bấy nhiêu mặc dù Ngọc rất yêu thương và chiều chuộng cô.
  • Thái độ của Thơm với chồng: Cô băn khoăn, nghi ngờ chồng, tìm cách dò xét, cố níu chút hi vọng về Ngọc
  • Hành động của cô cứu Thái, Cửu: Che giấu hai chiến sĩ cách mạng này trong buồng mình, Thơm là một con người khôn ngoan, biết che mắt Ngọc và đi theo cách mạng, bảo vệ các chiến sĩ cách mạng.

* Tác giả đặt nhân vật vào hoàn cảnh căng thẳng, gay cấn, đã làm bộc lộ đời sống nội tâm  với nỗi day dứt, đau xót và ân hận của Thơm, để rồi nhân vật đã hành động dứt khoát, đứng hẳn về phía cách mạng. Như vậy, có thể nói, ngay cả khi cuộc đấu tranh cách mạng gặp khó khăn, bị kẻ thù đàn áp khốc liệt, cách mạng vẫn không thể bị tiêu diệt, nó vẫn thức tỉnh được quần chúng nhân dân, ngay cả với người ở vị trí trung gian như Thơm.

Câu 4:

Phân tích các nhân vật Thái, Cửu, Ngọc:

* Nhân vật Ngọc: Là tên Việt gian bán nước, phản quốc, mang tham vọng ngoi lên để thỏa mãn lòng tham muốn địa vị và tiền bạc mà chịu làm tay sai cho giặc, ra sức truy lùng các chiến sĩ cách mạng, che giấu bản thân trước Thơm, ngày càng dấn thân vào con đường phản động.

* Nhân vật Thái và Cửu:

Thái là người chiến sĩ dày dặn kinh nghiệm, tinh tế trong cách hành xử. Nhưng Cửu lại là người hăng hái, nóng nảy, thiếu chín chắn.

Câu 5:

Nghệ thuật viết kịch của Nguyễn Huy Tưởng trong các lớp kịch này:

  • Cách xây dựng tình huống éo le, bất ngờ, bộc lộ rõ xung đột kịch (cuộc đối đầu giữa Ngọc với Thái, Cửu và xung đột trong nội tâm nhân vật Thơm), thúc đẩy hành động của các nhân vật.
  • Ngôn ngữ đối thoại: với những nhịp điệu, giọng điệu khác nhau, phù hợp với từng giai đoạn của hành động kịch và đã bộc lộ được nội tâm, tính cách nhân vật.