Xin chào các em! Trong chuyên mục soạn văn lớp 9 tập 2 ngày hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn bài: Con cò. Đây là một bài thơ rất hay và nổi tiếng của nhà thơ Chế Lan Viên. Các em hãy cùng tham khảo nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Chế Lan Viên trong SGK Ngữ văn 9 Tập 2).

2. Tác phẩm

* Xuất xứ: Bài thơ Con cò được in trong tập thơ Hoa ngày thường - chim báo bão (1967) của Chế Lan Viên.

* Thể thơ: tự do

* Bố cục: Văn bản có thể được chia làm 3 đoạn:

  • Đoạn 1: phần I : Hình ảnh con cò qua lời ru đến với con người từ thuở thơ ấu.
  • Đoạn 2: phần II : Con cò qua lời ru đi vào tiềm thức tuổi thơ và theo đường đời.
  • Đoạn 3: phần III : Từ hình ảnh con cò, suy ngẫm và triết lí về ý nghĩa lời ru và lòng mẹ.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Bài thơ phát triển từ một hình tượng bao trùm là hình tượng con cò trong những câu hát ru. Qua hình tượng con cò, tác giả nhằm nói về hình ảnh người nông dân, người phụ nữ trong cuộc sống cần cù, vất vả. Ở đây, Chế Lan Viên chỉ khai thác hình ảnh con cò là biểu trưng cho tâm lòng của người mẹ và những câu hát ru.

Câu 2:

* Bố cục đã được chia ở mục trên.

* Ý nghĩa biểu tượng của hình tượng con cò được bổ sung và biến đổi qua các đoạn thơ: con cò trong lời ru (đoạn 1) biến thành con cò mang tình cảm của mẹ mãi dõi theo bước chân đứa con mình (đoạn 2) và trở thành biểu tượng cho lời ru, cho lòng mẹ theo con suốt cuộc đời. Con cò trong bài hát ru đã trở thành con cò nâng đỡ, dìu dắt con khôn lớn, trưởng thành, đồng hành với con suốt đời trong một tình yêu thiêng liêng và cao cả.

Câu 3:

* Trong đoạn đầu bài thơ, những câu ca dao đã được vận dụng là:

- Con cò bay lả bay la

Bay từ cổng phủ, bay ra cánh đồng.

- Con cò bay lả bay la

Bay từ cửa phủ bay về Đồng Đăng.

- Con cò mày đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao.

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con.

* Cách vận dụng ca dao của tác giả: Hình ảnh con cò được gợi ra trực tiếp từ những câu ca dao, tác giả chỉ lấy vài chữ trong mỗi câu ca dao để nhằm gợi nhớ chứ không lấy nguyên vẹn. Cách vận dụng đó ít nhiều thể hiện sự phong phú trong ý nghĩa biểu tượng của "con cò".

Câu 4:

Ở  bài thơ này có những câu thơ mang tính khái quát:

- Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.

- Một con cò thôi

Con cò mẹ hát

Cũng là cuộc đời

Vỗ cánh qua nôi.

Câu thơ thứ nhất cho người đọc thấy được một quy luật tình cảm bền vững và sâu sắc, thể hiện tình cảm yêu thương vô bờ bến của người mẹ. Dù con ở đâu, còn nhỏ hay đã trưởng thành thì vẫn được người mẹ hết lòng yêu thương, luôn ở bên che chở, đồng hành cùng con trên mọi nẻo đường.

Câu thơ thứ hai, sự hóa thân của người mẹ vào cánh cò mang nhiều ý nghĩa sâu xa, kết tụ những hi sinh, gian khổ, nhằn nhọc để những lời yêu thương càng trở nên sâu sắc và đằm thắm. Có thể nói, câu thơ cuối là một hình ảnh rất đẹp. Cánh cò vỗ qua nôi như dáng mẹ đang nghiêng xuống chở che, đang nói với con những lời tha thiết từ tận đáy lòng của người mẹ.

Câu 5:

Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, câu thơ dài ngắn khác nhau, kết hợp với giọng điệu triết lí suy ngẫm, nhịp điệu bắt vần tạo nên âm hưởng như lời hát ru con của người mẹ. Chính những yếu tố này đã làm cho việc thể hiện tư tưởng, cảm xúc của tác giả được nhất quán, đa dạng và sáng tạo.