Xin chào các em! Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn bài: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga. Đây là đoạn trích thơ của tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên, một câu chuyện không còn quá xa lạ với nhiều học sinh. Các em hãy cùng tham khảo nhé!
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong SGK Ngữ văn 9 Tập 1).
2. Tác phẩm
* Xuất xứ: Văn bản Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga nằm ở đoạn đầu của Truyện Lục Vân Tiên - một truyện thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu, được sáng tác vào khoảng đầu những năm 50 của thế kỉ XIX, lưu truyền rộng rãi dưới hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian như kể thơ, nói thơ Vân Tiên, hát Vân Tiên" ở Nam Kì và Nam Trung Kì. Ảnh hưởng của nó còn lan rộng ra toàn quốc. Truyện được in nhiều lần, bởi thế có nhiều văn bản khác nhau, có khi thêm bớt cả trăm câu thơ. Theo văn bản thường dùng hiện nay, truyện có 2082 câu thơ lục bát.
* Thể thơ: Văn bản được viết theo thể thơ lục bát
* Bố cục: Đoạn trích thơ có thể được chia làm 2 phần:
- Phần 1: 14 câu đầu: Cảnh Lục Vân Tiên đánh bọn cướp để cứu Kiều Nguyệt Nga.
- Phần 2: còn lại: Cuộc trò chuyện giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
* Kiểu kết cấu truyền thống đã được sử dụng trong Truyện Lục Vân Tiên là: người tốt gặp gian truân, nguy hiểm, bị hãm hại, nhưng được phù trợ và cứu giúp, cuối cùng được đền đáp xứng đáng, còn kẻ xấu thì bị trừng trị (kiểu anh hùng cứu mĩ nhân).
* Đối với loại văn chương nhằm tuyên truyền đạo đức thì kiểu kết cấu đó có ý nghĩa thể hiện khát vọng của nhân dân là cái thiện luôn chiến thắng cái ác, người ở hiền sẽ gặp lành.
Câu 2:
* Đọc đoạn trích, em thấy Lục Vân Tiên là một chàng trai nghĩa hiệp, tài giỏi và không chịu nổi được cảnh bất bình.
* Phân tích những phẩm chất của nhân vật qua hành động đánh cướp và qua cách cư xử với Kiều Nguyệt Nga:
- Khi đánh cướp: dũng cảm, mạnh mẽ, thể hiện được tính cách của một người anh hùng. Bên cạnh đó, Lục Vân Tiên cũng là một con người coi trọng lẽ phải, văn võ song toàn, thấy người gặp nạn liền ra tay cứu giúp, một mình đánh được lũ cướp hung ác.
- Khi cư xử với Kiều Nguyệt Nga: thể hiện Lục Vân Tiên là một con người hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, từ tâm và nhân hậu. Chàng không muốn Nguyệt Nga ra khỏi xe để tránh làm ảnh hưởng đến danh dự và tiết hạnh của nàng.
Câu 3:
* Với tư cách là người chịu ơn, Kiều Nguyệt Nga trong đoạn trích này đã bộc lộ những nét đẹp tâm hồn:
- Là một người con gái khuê các, thùy mị, nết na và có học thức thể hiện ở cách xưng hô "tiện thiếp-quân tử", lời nói khiêm nhường, mực thước, thể hiện thái độ kính trọng và hàm ơn.
- Là người trọng tình nghĩa, nhận sự cứu giúp của Lục Vân Tiên và mong được trả ơn chàng.
- Là một người con hiếu thảo, biết vâng lời cha mẹ, đồng ý làm lễ nghi gia dù không mong muốn.
Câu 4:
* Theo em, nhân vật trong đoạn trích này được miêu tả chủ yếu qua hành động, ngôn ngữ và cử chỉ. Điều này cũng không quá khó hiểu, vì Nguyễn Đình Chiểu bị mù nên ông cảm nhận môi trường xung quanh chủ yếu qua hành động và lời nói tốt hơn là qua ngoại hình.
* Truyện Lục Vân Tiên gần với thể loại truyện dân gian, được kể theo trình tự thời gian và nhân vật nhất quán tốt và xấu.
Câu 5:
Ngôn ngữ của tác giả trong đoạn trích thơ rất mộc mạc, bình dị, gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày và mang màu sắc của địa phương Nam Bộ. Nó có phần trau chuốt, uyển chuyển nhưng lại rất phù hợp với ngôn ngữ kể, rất tự nhiên và dễ nhớ, dễ thuộc.