Xin chào các em! Vậy là cũng đã sắp kết thúc chương trình học của lớp 9, đồng nghĩa với việc các em đã trải qua 4 năm THCS với bao niềm vui và cả những nỗi buồn. Soạn Văn xin chúc các em ôn tập thật tốt và trải qua kì thi tuyển sinh vào lớp 10 đạt kết quả thật cao nhé! Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản cuối cùng của chương trình THCS mang tên Tôi và chúng ta. Các em hãy cùng tham khảo nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu về tác giả Lưu Quang Vũ trong SGK Ngữ văn 9 Tập 2).

2. Tác phẩm

* Xuất xứ: Văn bản Tôi và chúng ta thuộc cảnh thứ ba của vở kịch cùng tên của Lưu Quang Vũ. Cảnh này diễn tả cuộc xung đột trực tiếp đầu tiên giữa phái khát khao đổi mới và phái bảo thủ khi họ công khai bộc lộ quan điểm.

* Thể loại: kịch

* Tóm tắt:

Đoạn trích kể về trong một cuộc họp, Giám đốc mới của xí nghiệp là Hoàng Việt cho công bố "Kế hoạch mở rộng sản xuất và phương án làm mới của xí nghiệp". Kế hoạch này đã lập tức bị một số người, trong đó có Phó Giám đốc Nguyễn Chính phản đối, nhưng lại được các công nhân và kĩ sư ủng hộ.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1: Các em đọc kĩ các chú thích để hiểu được nội dung, chủ đề của vở kịch, hiểu được vị trí của các nhân vật.

Câu 2: * Mâu thuẫn cơ bản mà vở kịch Tôi và chúng ta thể hiện là mâu thuẫn giữa hai phái đối lập, một bên là tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, với một bên là những tư tưởng tiến bộ, khát khao đổi mới.

* Ý nghĩa của nó đối với thực tiễn phát triển của xã hội ta thời kì ấy: cần mạnh dạn đổi mới phương thức tổ chức, lề lối hoạt động, phương án kinh doanh hợp lí, tiến bộ, không đi theo đường lối, cách làm ăn đã cũ, đã lỗi thời.

Câu 3: * Muốn thể hiện được sự phát triển của xung đột kịch, tác giả cần tạo được tình huống. Trong cảnh ba này, tình huống đó là: Khi xí nghiệp Thắng Lợi liên tục bị ngưng trệ sản xuất, tình hình xí nghiệp ngày càng đi xuống, Giám đốc Hoàng Việt đã đưa ra biện pháp giải quyết táo bạo như một lời tuyên chiến với phe của Phó Giám đốc Nguyễn Chính. Chính sự phản ứng gay gắt của Nguyễn Chính đã đẩy tình huống kịch thêm căng thẳng, gay gắt hơn.

* Mâu thuẫn cơ bản của tác phẩm đến đây được bộc lộ đến đỉnh điểm, quyết liệt giữa hai tuyến nhân vật: tiên tiến, dám nghĩ dám làm và bảo thủ, làm việc theo máy móc.

Câu 4:

* Qua đoạn trích, em thấy:

  • Giám đốc Hoàng Việt là một người lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm cao, năng động, dám nghĩ dám làm, trung thực thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh với niềm tin vào chân lí.
  • Kĩ sư Lê Sơn:  là một kĩ sư có năng lực thực sự, có trình độ chuyên môn giỏi, sẵn sàng cùng Hoàng Việt cải tiến toàn diện hoạt động của đơn vị.
  • Phó Giám đốc Nguyễn Chính là một người bảo thủ, làm việc theo máy móc, có nhiều mánh khóe, nguyên tắc cứng nhắc, lạc hậu, khéo luồn kéo, xu nịnh cấp trên.
  • Quản đốc phân xưởng Trương là một người có suy nghĩ và làm việc như một cỗ máy, khô cằn tình người, thích tỏ ra quyền thế, hách dịch với anh chị em công nhân.

Câu 5:

Xu thế phát triển và kết thúc của xung đột kịch:

Có thể nói Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành công một tình huống kịch hết sức căng thẳng với những nút thắt, đó là sự đấu tranh gay gắt giữa những cái cũ và cái mới. Nhưng cuối cùng, phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về những cái mới, cái tiến bộ.