Xin chào các em! Truyện ngắn Bến quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu chứa đựng những suy ngẫm, những trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, đồng thời, thức tỉnh sự trân trọng giá trị của cuộc sống gia đình và những vẻ đẹp bình dị của quê hương. Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản này nhé!
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Nguyễn Minh Châu trong SGK Ngữ văn 9 Tập 2).
2. Tác phẩm
* Xuất xứ: Truyện ngắn Bến quê được in trong tập truyện cùng tên của Nguyễn Minh Châu, được xuất bản năm 1985.
* Thể loại: truyện ngắn
* Tóm tắt:
Truyện kể về nhân vật Nhĩ là người đàn ông từng trải, anh đã từng đi nhiều vùng đất nhưng cuối đời lại bị cột chặt vào giường bệnh. Khi nhìn sang bãi bồi bên kia sông nơi bến quê quen thuộc, anh Nhĩ mới nhận ra vẻ đẹp bình dị, gần gũi của quê hương mình. Và khi trên giường bệnh, anh mới có thể cảm nhận được những nỗi vất vả, tình thương và đức hi sinh của vợ mình, người chung chăn gối với anh bao năm qua. Nhĩ khát khao đặt chân lên bãi bờ bên kia sông nhưng bệnh tật không cho phép, anh liền nhờ đứa con trai của mình. Thế nhưng, đứa con lại không hiểu được ước muốn của cha, nó miễn cưỡng đi và bị hút vào trò chơi hấp dẫn trên đường làm lỡ mất chuyến đò ngang duy nhất trong ngày. Qua đó, Nhĩ chiêm nghiệm được cái quy luật đầy nghịch lí : “con người ta khó tránh được cái vòng vèo, chùng chình, phải dứt ra khỏi nó để hướng tới những giá trị đích thực của cuộc sống”.
- Phần 1: từ đầu => "cửa sổ nhà mình" : Cảm nhận của nhân vật Nhĩ về thiên nhiên
- Phần 2: còn lại: Cảm nhận của nhân vật Nhĩ về con người và cuộc sống.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
* Nhân vật Nhĩ trong truyện ở vào hoàn cảnh là: thời trẻ thì được đi nhiều, về cuối đời lại mắc căn bệnh hiểm nghèo, bị cột chặt vào giường bệnh đến nỗi không thể tự mình di chuyển được. Chính nhờ hoàn cảnh đó mà Nhĩ mới phát hiện ra vẻ đẹp của bãi bờ bên kia sông và vẻ đẹp của người vợ cực nhọc.
* Xây dựng tình huống ấy, tác giả muốn nhắn nhủ với mọi người rằng cuộc sống của con người có rất nhiều những điều bất thường, những nghịch lí trớ trêu, mỗi chúng ta nên biết trân trọng những gì tốt đẹp xung quanh mình.
Câu 2:
* Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, khi nằm trên giường bệnh, Nhĩ đã nhìn thấy ở bên ngoài cửa sổ, vòm trời như cao hơn, nhìn thấy những bông hoa bằng lăng cuối mùa, sông Hồng màu đỏ nhạt, bãi bồi màu mỡ,...
* Niềm khao khát của Nhĩ chính là được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông.
* Nhĩ có niềm khao khát đó là do anh đã chợt nhận ra bấy lâu nay, mình đã đi nhiều nơi mà lại bỏ quên những vẻ đẹp bình dị, gần gũi ngay trên chính quê hương mình, anh cảm thấy nuối tiếc về quãng đời trước đây của mình.
=> Qua đó, cho thấy sự thức tỉnh về những giá trị bền vững, bình thường mà con người hay bỏ quên.
Câu 3:
Có thể nói, ngòi bút miêu tả tâm lí của Nguyễn Minh Châu ở thiên truyện này rất tinh tế và thấm đượm tinh thần nhân đạo:
- Tinh tế: Nhân vật Nhĩ có những suy nghĩ về lẽ sống, về cuộc đời rất cụ thể và sâu sắc. Thiên nhiên qua con mắt của Nhĩ hiện ra thật đẹp, đó là những cảnh đẹp chỉ có thể được cảm nhận bằng những cảm xúc tinh tế (những chùm hoa bằng lăng, con sông Hồng màu đỏ nhạt).
- Thấm đượm tinh thần nhân đạo: Tác giả đặt nhân vật vào hoàn cảnh hiểm nghèo để làm nổi bật lên khát vọng sống, và ông cũng cho người đọc thấy được giá trị quan trọng của gia đình, vào những ngày cuối đời, Nhĩ chỉ có gia đình là chỗ dựa.
Câu 4:
Ở đoạn kết truyện, tác giả đã tập trung miêu tả chân dung và cử chỉ của nhân vật Nhĩ với vẻ rất khác thường:
"Anh đang cố thu nhặt hết mọi sức lực... ra hiệu cho một người nào đó" chứng tỏ Nhĩ đang lo lắng và thúc giục cậu con trai sẽ có thể làm lỡ mất chuyến đò duy nhất trong ngày. Miêu tả đoạn này, nhà văn muốn thức tỉnh mọi người về những cái vòng vèo mà chúng ta đang sa vào trên đường đời khó dứt khỏi để hướng tới những giá trị đích thực vốn gần gũi, giản dị ngay xung quanh chúng ta.
Câu 5:
Nhiều hình ảnh, chi tiết trong truyện này mang tính biểu tượng, ví dụ như:
- Hình ảnh bãi bồi, bến sông, thiên nhiên bên ngoài khung cửa sổ ngoài ý nghĩa thực còn biểu tượng cho vẻ đẹp bình dị, gần gũi của quê hương.
- Những bông hoa bằng lăng cuối mùa màu sắc như đậm hơn, tiếng những tảng đất lở ở bờ sông bên này đổ ụp vào giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng chính là những dấu hiệu báo hiệu cuộc đời của nhân vật Nhĩ đã ở vào những ngày cuối cùng.
- Đứa con trai ham chơi của nhân vật Nhĩ gợi chúng ta liên tưởng đến những cái vòng vèo, chùng chình trong cuộc sống.
Câu 6:
Truyện ngắn này chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm của nhà văn về con người và cuộc đời. Đoạn văn thể hiện tập trung chủ đề của truyện là đoạn văn Nhĩ nhận ra đứa con trai ham chơi, quên cả việc mà bố đã nhờ mình làm : "Thì ra thằng con trai của anh chỉ mới đi được đến... không bao giờ giải thích hết".
Đoạn văn này thể hiện một triết lí mà nhà văn muốn gửi gắm: con người chúng ta trong cuộc sống, khó tránh khỏi những điều vòng vèo, chùng chình, đồng thời, thức tỉnh về những giá trị và vẻ đẹp đích thực của cuộc sống xung quanh.
Soạn Văn chúc các em học tập tốt!