Xin chào các em! Chủ đề tình đồng chí, đồng đội luôn là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất của các nhà thơ, nhà văn trong thời kì kháng chiến. Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn bài: Đồng chí. Đây là một bài thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Chính Hữu được biên soạn trong chương trình Ngữ văn 9 tập 1. Các em hãy cùng tham khảo nhé!
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả (Các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Chính Hữu trong SGK Ngữ văn 9 tập 1).
2. Tác phẩm
* Xuất xứ: Bài thơ Đồng chí được sáng tác vào đầu năm 1948, sau khi tác giả đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947), đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc. Bài thơ Đồng chí là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất viết về người lính cách mạng của văn học thời kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954).
* Bố cục: Văn bản có thể chia làm 3 phần:
- Phần 1: 7 câu đầu: Nói về cơ sở hình thành tình đồng chí, đồng đội.
- Phần 2: 10 câu tiếp: Biểu hiện và sức mạnh của tình đồng chí
- Phần 3: 3 câu còn lại: Hình ảnh và biểu tượng về người lính.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
* Dòng thứ bảy của bài thơ có cấu tạo rất đặc biệt chỉ có 2 từ và kết thúc bằng một dấu chấm than "Đồng chí!"
* Mạch cảm xúc và suy nghĩ trong bài thơ được triển khai trước và sau dòng thơ trên là:
- Đoạn trước có thể xem như là sự lí giải về tình đồng chí, đồng đội
- Đoạn sau là những biểu hiện của tình đồng chí và sức mạnh của nó.
=> Dòng thơ thứ bảy vang lên như một sự phát hiện, một lời khẳng định và tựa như cái bắt tay thân thiết giữa những con người.
Câu 2:
Sáu dòng đầu của bài thơ đã nói về cơ sở hình thành tình đồng chí của những người lính cách mạng. Cơ sở đó là:
- Xuất thân, nguồn gốc, giai cấp: Họ đều là những người nông dân đến từ những vùng quê nghèo.
- Cùng chí hướng, nhiệm vụ, cùng mục đích chiến đấu
- Cùng nhau tận hưởng niềm vui, cùng nhau vượt qua gian nan, khó khăn, hiểm nguy.
=> Đây là mối tình tri kỉ của những người bạn chí cốt mà tác giả đã biểu hiện bằng một hình ảnh cụ thể, giản dị mà hết sức giản dị, gợi cảm: "Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ".
Câu 3:
* Những chi tiết, hình ảnh biểu hiện tình đồng chí, đồng đội làm nên sức mạnh tinh thần của những người lính cách mạng:
- Sự cảm thông sâu xa những tâm sự, nỗi lòng của nhau: nỗi nhớ, lo toan về quê nhà, giếng nước, gốc đa, những hình ảnh thân thương, bình dị đều mang nỗi xót xa: "Ruộng nương anh gửi bạn thân cà.../ Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính".
- Cùng nhau chia sẻ những gian lao, thiếu thốn "Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ". Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của thời tiết, người lính chia sẻ hơi ấm cho nhau, cùng nhau vượt qua những khó khăn, cùng nhau chiến đấu vì một lí tưởng cao đẹp.
Câu 4:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Qua những câu thơ trên, em thấy hình ảnh người lính thật đẹp, họ thật dũng cảm. Có thể xem đây chính là hình ảnh thơ đẹp nhất về người lính trong thơ ca kháng chiến. Bên cạnh đó cũng cho chúng ta thấy được cuộc chiến tranh gian khổ, đầy khó khăn.
Vẻ đẹp và ý nghĩa của hình ảnh trong những câu thơ trên là:
- Vẻ đẹp hiện thực: Tình đồng chí, đồng đội sát cánh bên nhau, giữa rừng núi hoang vu vẫn ấm lòng, vẫn sẵn sàng chiến đấu.
- Vẻ đẹp lãng mạn: Hình ảnh "Đầu súng trăng treo" là một hình ánh tuyệt đẹp, vừa hiện thực, vừa lãng mạn, vừa gần lại vừa xa. Súng là tượng trưng cho hành động chiến đấu, tinh thần quyết chiến vì đất nước. Còn trăng tượng trưng cho cái đẹp yên bình, thơ mộng. Hình ảnh "Đầu súng trăng treo" mang ý nghĩa khái quát về tư thế chủ động, tự tin trong chiến đấu và tâm hồn phong phú của người lính.
Câu 5:
Tác giả đặt nhan đề là "Đồng chí" bởi vì toàn bộ bài thơ đều tập trung làm nổi bật vẻ đẹp của những người đồng chí, họ là những người anh hùng cùng lí tưởng, cùng chí hướng và cùng yêu quê hương, đất nước.
Câu 6:
Qua bài thơ, em thấy hình ảnh anh bộ đội thời kháng chiến chống Pháp thật giản dị mà cao cả, dũng cảm, có tinh thần chịu đựng gian khổ, sẵn sàng lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.