Xin chào các em! Trong chuyên mục soạn văn ngày hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn bài: Làng của nhà văn Kim Lân. Các em hãy chuẩn bị bài thật tốt để tiết học trên lớp của thầy cô hiệu quả hơn nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Kim Lân trong SGK Ngữ văn 9 Tập 1).

2. Tác phẩm

* Xuất xứ: Truyện ngắn Làng được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948.

* Tóm tắt:

Ông Hai là một người làng chợ Dầu, nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh chống Pháp nên ông phải đưa gia đình đi tản cư. Sống ở ngôi làng mới, lúc nào ông cũng nhớ về làng cũ và luôn theo dõi tin tức của cách mạng. Nhưng một hôm, bất ngờ ông nghe tin đồn làng chợ Dầu của ông theo giặc, ông thấy vô cùng đau khổ. Suốt nhiều ngày liền, ông không dám đi ra ngoài vì sợ nghe thấy mọi người bàn tán về làng mình. Nỗi đau khổ ông không biết giãi bày với ai, đành tâm sự với cậu con út để vơi bớt nỗi buồn. Cho đến khi chủ tịch xã lên cải chính làng chợ Dầu không theo Tây, ông vui mừng khoe với mọi người, mua quà bánh chia cho các con, ông càng thêm yêu và tự hào về làng mình.

* Bố cục:

Văn bản có thể được chia làm 3 đoạn:

  • Đoạn 1: từ đầu => "ông lão cứ múa cả lên, vui quá!" : Ông Hai trước khi nghe tin đồn làng chợ Dầu theo giặc.
  • Đoạn 2: tiếp => "cũng vợi được đi đôi phần" : Tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc.
  • Đoạn 3: còn lại: Tâm trạng của ông Hai khi nghe tin cải chính về việc làng chợ Dầu theo giặc.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Truyện ngắn Làng đã xây dựng được một tình huống truyện làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và lòng yêu nước ở nhân vật ông Hai. Tình huống truyện đó là: Ông Hai là một người dân làng chợ Dầu rất yêu và tự hào về làng mình, vì chiến tranh mà ông và gia đình phải đi tản cư, ông nghe được tin đồn làng chợ Dầu theo giặc từ những người tản cư đi qua.

Câu 2:

* Diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật ông Hai từ lúc nghe tin làng mình theo giặc đến kết thúc truyện:

  • Khi nghe được tin xấu "cổ họng ông lão nghẹn ắng lại, da tê rân rân,... ông không thể không tin".
  • Ông đi về nhà, mặt cúi gằm xuống đất, về đến nhà ông nằm vật ra giường, nhìn lũ con mà cảm thấy tủi thân, nước mắt trào ra, ông đau đớn rít lên và nguyền rủa bọn phản quốc.
  • Những ngày sau đó, ông chỉ ở nhà, không dám đi đâu, luôn cảm thấy chột dạ khi có tiếng xì xầm ngoài đường.
  • Ông quyết định đoạn tuyệt vời làng để đi theo kháng chiến, theo cách mạng bởi "Làng thì yêu thật nhưng làng làm Việt Gian thì phải thù".
  • Khi nghe tin cải chính làng chợ Dầu không theo giặc, ông Hai như được hồi sinh, mặt mày rạng rỡ hẳn lên, mua quà bánh chia cho các con, đi khoe với mọi người.

* Ông Hai cảm thấy đau đớn, tủi hổ khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc cũng bởi vì ông yêu làng của ông như đứa con yêu mẹ của mình, tự hào và tôn thờ mẹ. Chính vì thế, ông càng yêu, càng tin tưởng, càng hãng diện bao nhiêu thì lại càng đau đớn, tủi hổ bấy nhiêu.

* Tâm trạng của ông Hai được biểu hiện: ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng bất ổn trong nỗi tủi nhục ê chề, thậm chí ông còn tuyệt giao với tất cả mọi người, không dám bước chân ra ngoài vì xấu hổ.

Câu 3:

* Đoạn văn ông Hai trò chuyện với đứa con út thực chất là đoạn ông đang giãi bày nỗi lòng mình.

* Qua những lời trò chuyện ấy, em thấy:

  • Tình yêu làng, yêu quê hương của ông Hai rất sâu nặng, ông như muốn khắc ghi vào trong tâm trí của đứa con út rằng "Nhà ta ở chợ Dầu".
  • Tình yêu đất nước, tấm lòng thủy chung với kháng chiến, với cách mạng, với Bác Hồ. Đây là tình cảm sâu nặng, bền vững, tuyệt đối không bao giờ thay đổi.

* Tình yêu làng quê và lòng yêu nước ở ông Hai đã gắn bó làm một và hòa quyện trong con người ông Hai, trở thành một thứ tình cảm thiêng liêng, bền vững. Những tình cảm đó không chỉ có ở nhân vật ông Hai mà ở trong tất cả những người con của dân tộc Việt Nam.

Câu 4:

* Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật rất chân thực, sâu sắc và sinh động

* Ngôn ngữ nhân vật chủ yếu là khẩu ngữ, tự nhiên, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của người nông dân.