Xin chào các em! Trong chuyên mục soạn văn ngày hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn bài: Đoàn thuyền đánh cá. Hi vọng rằng, với bài hướng dẫn này, các em sẽ chuẩn bị thật tốt cho bài giảng trên lớp của thầy cô nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Huy Cận trong SGK Ngữ văn 9 Tập 1).

2. Tác phẩm

* Xuất xứ: Văn bản Đoàn thuyền đánh cá được sáng tác trong thời gian Huy Cận đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh vào năm 1958. Từ chuyến đi thực tế này, hồn thơ Huy Cận mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới.

* Thể thơ: Văn bản Đoàn thuyền đánh cá được viết theo thể thơ 7 chữ.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

* Bố cục: Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá có thể được chia làm 3 phần:

  • Phần 1: Hai khổ đầu: Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi
  • Phần 2: 4 khổ thơ tiếp: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển.
  • Phần 3: khổ thơ cuối: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong bình minh.

* Thời gian và không gian được miêu tả trong bài thơ: không gian rộng lớn, bao la với mặt trời, biển, trăng, sao, gió. Còn thời gian ở đây là nhịp tuần hoàn của vũ trụ từ hoàng hôn đến bình minh, cũng là thời gian của một chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá.

Câu 2:

* Hình ảnh người lao động và công việc của họ được miêu tả trong không gian rộng lớn của vũ trụ, giữa biển cả bao la, rộng lớn.

* Tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp và sức mạnh của con người lao động trước thiên nhiên vũ trụ bằng những biện pháp nghệ thuật là: cảm hứng lãng mạn, bay bổng; liệt kê, nhân hóa, so sánh thể hiện được sự phong phú của các loài cá, vẻ đẹp kì diệu và sự giàu có của biển khơi. Qua đó, hiện lên hình ảnh người lao động thật đẹp, thật hăng say, con người như hòa quyện vào với vẻ đẹp của thiên nhiên.

Câu 3:

Bài thơ có nhiều hình ảnh đẹp và tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động. Một số hình ảnh đặc sắc trong các khổ 1,3,4 và 7: Đó là hình ảnh cảnh biển về đêm rộng lớn, thật gần gũi với con người:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then đêm sập cửa.

Tác giả so sánh mặt trời giống như hòn lửa đang từ từ lặn xuống biển. Ở đây, trời và biển có sự giao hòa trọn vẹn, mặt biển mênh mông, rộng lớn sẽ làm cho "hòn lửa" mặt trời dịu êm hơn. Nhà thơ đã liên tưởng vũ trụ là một ngôi nhà lớn, còn màn đêm là cánh cửa khổng lồ, những con sóng là then cửa cài chặt cánh cửa đêm đen. Hay nói cách khác, vũ trụ đi vào trạng thái nghỉ ngơi theo nhịp tuần hoàn của thời gian.

Câu 4:

Bài thơ có nhiều từ "hát", cả bài thơ cũng như một khúc ca, đây là khúc ca ngợi ca lao động, tinh thần làm chủ và niềm vui phơi phới mà tác giả viết thay cho người dân lao động, cụ thể ở đây là những người lao động trên biển.

Âm hưởng và giọng điệu của bài thơ rất sôi nổi, khỏe khoắn, phơi phới và bay bổng. Có sự kết hợp của cả vần bằng và vần trắc, vần liền xen lẫn vần bằng. Vần trắc tạo nên sức dội, sức mạnh, còn vần bằng tạo nên sự vang xa, bay bổng.

Câu 5:

Qua những bức tranh về thiên nhiên và con người lao động trong bài thơ, em thấy tác giả có một cái nhìn khá tươi mới, tràn đầy cảm xúc hào hứng. Mỗi hình ảnh thơ đều mang sức sống, mang niềm vui, cuốn theo tình yêu say đắm, mãnh liệt trước biển khơi bao la, hùng vĩ, giàu có vô tận của nhà thơ: cảnh cửa vũ trụ với hòn lửa mặt trời, cá bạc, cá thu, cá nhụ, cá chim,...người lao động đang hăng say làm việc. Qua đó, cho chúng ta thấy tình yêu của tác giả đối với quê hương, đất nước, phải là một con người gắn bó với quê hương, gắn bó với người dân lao động làng chài thì mới có thể viết nên những vần thơ đẹp như thế.