Xin chào các em! Hôm nay, Soạn Văn sẽ giới thiệu đến các em bài soạn: Nói với con. Qua bài soạn này, hi vọng các em sẽ hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi. Các em có thể tham khảo để chuẩn bị cho bài giảng trên lớp thật tốt nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Y Phương trong SGK Ngữ văn 9 Tập 2).

2. Tác phẩm

* Xuất xứ: Bài thơ Nói với con được Y Phương sáng tác vào năm 1980, được in trong Thơ Việt Nam 1945 - 1985.

* Thể thơ: Bài thơ được viết theo thể thơ tự do.

* Bố cục:

  • Phần 1: từ đầu => "đẹp nhất trên đời": Nói với con về tình cảm cội nguồn.
  • Phần 2: còn lại: Tự hào về sức sống bền bỉ của quê hương và lời dặn dò của người cha.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Mượn lời nói với con, nhà thơ gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người, gợi về sức sống mãnh liệt, bền bỉ của quê hương mình. Bố cục của bài thơ theo mạch cảm xúc đi từ tình cảm gia đình mà mở rộng ra là tình cảm của quê hương, từ những kỉ niệm gần gũi, thiết tha mà nâng lên lẽ sống.

Câu 2:

Con được lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, trong sự đùm bọc của quê hương:

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười.

4 câu thơ đầu có những hình ảnh cụ thể, cách diễn đạt dường như vô ý song lại tạo ra sự độc đáo trong tư duy và cách diễn đạt của người miền núi. Những từ ngữ giàu sắc thái biểu hiện (cài nan hoa, ken câu hát) đã miêu tả cụ thể cuộc sống và tình cảm gắn bó, quấn quýt của con người quê hương. Con người trưởng thành trong cuộc sống lao động, trong thiên nhiên mơ mộng, trữ tình của quê hương.

Câu 3:

Người cha nói với con về những đức tính cao đẹp của người "đồng mình", những đức tính đó là:

  • Dễ thương, giàu tình cảm
  • Có tấm lòng thủy chung, luôn gắn bó với quê hương
  • Hồn nhiên, mạnh mẽ, không ngại gian khổ
  • Là những con người có bản lĩnh, bền bỉ, không dễ dàng bỏ cuộc.
  • Mộc mạc, chân chất nhưng vẫn không kém phần kiêu hãnh, giàu ý chí, nghị lực và niềm tin.

Từ đó, người cha muốn nhắc nhở con trên đường đời sống phải có nghĩa tình thủy chung biết chấp nhận vượt qua gian nan bằng ý chí. Hơn thế nữa, con phải luôn tự hào về truyền thống của dân tộc mình, phải không ngừng cố gắng góp phần phát triển quê hương giàu mạnh.

Câu 4:

* Qua bài thơ, em thấy tình cảm của người cha đối với người con thật trìu mến, thiết tha và tin tưởng.

* Điều lớn lao nhất mà người cha muốn truyền cho con qua những lời này là lòng tự hào, là sức sống mạnh mẽ, bền bỉ và muốn con tự tin bước vào đời.

Câu 5:

Cách diễn tả tình cảm và suy nghĩ bằng hình ảnh của nhà thơ rất độc đáo. Những từ ngữ, hình ảnh trong bài rất mộc mạc nhưng đồng thời cũng rất giàu hình ảnh gợi tả, vừa cụ thể vừa có sức khái quát cao. Hơn thế nữa lại giàu chất thơ, độc đáo và đậm chất dân tộc.