Xin chào các em! Trong chuyên mục soạn văn lớp 9 tập 1 ngày hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn bài: Ánh trăng. Sau khi học xong bài thơ này, hi vọng rằng các em sẽ ý thức hơn về thái độ sống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Nguyễn Duy trong SGK Ngữ văn 9 Tập 1).

2. Tác phẩm

* Xuất xứ: Bài thơ Ánh trăng được Nguyễn Duy viết vào năm 1978 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đô thị của cuộc sống tiện nghi, hiện đại, nơi những người lính từ trận đánh trở về đã để lại sau lưng cuộc chiến tranh gian khổ mà nghĩa tình.

* Thể thơ: Bài thơ được viết theo thể thơ ngũ ngôn.

* Bố cục: Văn bản có thể được chia làm 3 phần:

  • Phần 1: 2 khổ thơ đầu: Vầng trăng quá khứ gắn bó với tuổi thơ
  • Phần 2: 2 khổ thơ tiếp: Vầng trăng hiện tại và sự bội bạc của con người trong cuộc sống hiện đại
  • Phần 3: 2 khổ cuối: Cảm xúc và suy ngẫm của tác giả trước vầng trăng.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

* Bài thơ được bố cục theo trình tự từ quá khứ đến hiện tại.

* Ánh trăng có sự kết hợp giữa tự sự với trữ tình. Trong dòng diễn biến của thời gian, sự việc, bước ngoặt để tác giả từ đó bộc lộ cảm xúc, thể hiện chủ đề của tác phẩm chính là khi đã coi vầng trăng như người dưng qua đường thì bỗng mất điện, gặp lại vầng trăng tròn. Trăng vẫn như xưa, vẫn tròn vành vạnh, vẫn lặng im soi sáng, không trách móc gì đến những người đã coi mình là người dưng. Và chính điều đó đã khiến con người thức tỉnh, phải giật mình nhìn lại những gì mình đã làm trong thời gian qua. Đó chính là chỗ thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

Câu 2:

* Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ mang nhiều tầng ý nghĩa:

  • Là vầng trăng của thiên nhiên, đất trời tươi đẹp, khoáng đạt
  • Trăng là biểu tượng cho những gì gắn bó với con người lúc gian khổ
  • Là tình cảm trong quá khứ, luôn hồn nhiên, tươi đẹp, sáng rọi khắp nhân gian
  • Trăng là phần trong sáng, tốt đẹp của con người, chiếu sáng những góc khuất mới nảy sinh khi con người sống trong nhà lầu, xe hơi, sống trong những ánh sáng của đèn điện, trong vật chất tiện nghi.

* Khổ thơ trong bài thơ thể hiện tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng, chiều sâu tư tưởng mang tính triết lí của tác phẩm là khổ cuối cùng.

Câu 3:

* Nhận xét về kết cấu, giọng điệu của bài thơ:

  • Kết cấu bài thơ độc đáo, được phát triển theo trình tự thời gian. Từ quá khứ hồn nhiên, thân thiết với vầng trăng cho đến hiện tại, trong một thành phố, một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, vầng trăng đã bị lãng quên, bị coi như người dưng qua đường. Nhờ mất điện mà con người gặp lại vầng trăng và giật mình về thái độ sống vô tình của mình, tự soi xét lại bản thân.
  • Giọng điệu của bài thơ tâm tình nhờ thể thơ 5 chữ, nhịp thơ tuôn chảy tự nhiên, nhịp nhàng theo nhịp kể, khi ngân nga, trầm lắng, suy tư.

=> Góp phần quan trọng trong việc bộc lộ cảm xúc sâu xa của một người lính khi nghĩ về chiến tranh, về quá khứ.

Câu 4:

* Thời điểm ra đời của bài thơ: sau đại thắng mùa xuân vào năm 1975, người lính từ chiến khu trở về thành phố, họ có một cuộc sống trong thời hòa bình, phương tiện sống hiện đại hơn, khác xa với thời chiến tranh.

* Chủ đề của bài thơ: Nhắc về những năm tháng gian lao trong cuộc đời của người lính.

* Bài thơ Ánh trăng nằm trong mạch cảm xúc "Uống nước nhớ nguồn" gợi đạo lí thủy chung tình nghĩa. Đó cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Soạn Văn chúc các em học tập và có kết quả thật tốt nhé!