Xin chào các em! Trong chuyên mục soạn văn lớp 9 tập 2 ngày hôm nay, Soạn Văn sẽ giới thiệu đến các em bài soạn: Mây và sóng. Các em có thể tham khảo những hướng dẫn dưới đây để chuẩn bị thật tốt cho bài giảng trên lớp của thầy cô nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Ta-go trong SGK Ngữ văn 9 Tập 2).

2. Tác phẩm

* Xuất xứ: Bài thơ Mây và sóng vốn được viết bằng tiếng Ben-gan, được in trong tập thơ Si-su (Trẻ thơ), xuất bản năm 1909 và được chính Ta-go dịch ra tiếng Anh, in trong tập Trăng non, xuất bản năm 1915.

* Thể thơ: Bài thơ được viết theo thể thơ tự do.

* Bố cục:

Văn bản có thể được chia làm 2 phần:

  • Phần 1: từ đầu => "bầu trời xanh thẳm" : Thuật lại cuộc trò chuyện với những người trên mây.
  • Phần 2: còn lại: Thuật lại cuộc trò chuyện với những người trong sóng.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Lời nói của em bé gồm hai phần có nhiều nét giống nhau.

a) Những điểm giống và khác nhau giữa hai phần:

* Điểm giống: về kết cấu của đoạn, số dòng thơ và cách xây dựng hình ảnh đều theo trình tự thuật lại lời rủ rê, lời từ chối và sự tưởng tượng sáng tạo trò chơi.

* Điểm khác nhau:

  • Đối tượng: đoạn trên là mây và đoạn dưới là sóng.
  • Trò chơi: đoạn trên thì con là mây và mẹ là trăng, còn đoạn dưới thì con là sóng và mẹ là bến bờ kì lạ.
  • Không gian: trên trời - dưới biển.

Tác dụng của những chỗ giống nhau và khác nhau này là tạo sự trùng điệp, nâng cao, làm nổi bật chủ đề và tình mẹ con.

b) Giả thiết nếu không có phần thứ hai thì ý thơ sẽ không được trọn vẹn và đầy đủ, bởi nó tác động trùng điệp, hô ứng, khẳng định những tình cảm đã được thể hiện trong thử thách thứ nhất.

Câu 2:

Dòng thơ "Con hỏi..." được đặt sau lời mời, lời rủ rê và đặt trước lời đáp của những người trên mây và người trong sóng. Chi tiết này đã chứng tỏ được tính xác thực và hấp dẫn của trò chơi. Như chúng ta đều biết, trẻ con nào cũng ham chơi, đặc biệt là trước những lời mời gọi vô cùng hấp dẫn của mây, của sóng, mặc dù vậy, tình yêu mẹ vẫn luôn chiến thắng. Chỉ cần nghĩ đến mẹ đang đợi em ở nhà, không muốn em đi chơi là em sẵn sàng từ chối những lời rủ rê ấy.

Câu 3:

* So sánh những cuộc vui chơi của những người trên mây và trong sóng của thế giới tự nhiên với những trò chơi của "mây và sóng" do em bé tạo ra: mây và sóng thực chất là những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, của đất trời, vũ trụ bao la. Còn mây và sóng do em bé tạo ra chỉ là những âm thanh, những hình ảnh mà em bé tưởng tượng ra. Trên mây là tiếng của mây, trong sóng là tiếng của sóng. Hai hình ảnh đó có thể coi là biểu tượng của cuộc sống rộn rã, cuốn hút xung quanh và có sức cuốn hút kì lạ với con người, đặc biệt là một chú bé.

* Sự giống và khác nhau giữa các cuộc chơi đã nói lên sức mạnh của tình mẫu tử. Tình yêu thương mà mẹ dành cho con là vô bờ bến, tình mẹ gắn bó như mây với trăng, như biển với bờ, tình cảm ấy đã lên đến kích cỡ của vũ trụ, vô cùng thiêng liêng và bất diệt.

Câu 4:

Những thành công về mặt nghệ thuật của bài thơ trong việc xây dựng các hình ảnh thiên nhiên:

Những hình ảnh thiên nhiên như: mây, trăng, sóng, bờ, bầu trời,... vốn đã là những hình ảnh mơ mộng, mà ở đây lại do trí tưởng tượng của một em bé tạo ra nên càng trở nên lung linh và kì ảo hơn. Và đây chính là những hình ảnh ẩn dụ cho những cám dỗ trong cuộc sống xung quanh.

Câu 5:

Ý nghĩa của câu thơ: "Con lăn, lăn, lăn mãi... ở chốn nào":

Lòng mẹ bao la luôn sẵn sàng đón tiếp con. Yêu mẹ, chú bé đã bày ra những trò chơi chỉ có hai mẹ con tham gia. Đó không đơn giản là ước muốn tách rời cuộc sống xung quanh mà còn là một tình yêu vô cùng sâu sắc của chú bé với mẹ của mình. Tình yêu ấy vượt lên trên cả những thú vui hằng ngày, vượt lên cả những cám dỗ của cuộc sống, mãnh liệt đến mức lấn át cả những mối quan hệ khác.

Câu 6:

Ngoài ý nghĩa ca ngợi tình mẹ con, bài thơ Mây và sóng còn gợi cho người đọc nhiều suy ngẫm về cuộc sống:

  • Trong cuộc sống, con người thường gặp những cám dỗ (nhất là đối với trẻ con). Muốn khước từ chúng, chúng ta cần có điểm tựa vững chắc, và trong đó, tình mẫu tử chính là điểm tựa vững chắc nhất.
  • Hạnh phúc vốn không phải là một điều gì đó bí ẩn. Hạnh phúc luôn ở xung quanh chúng ta và do chính chúng ta tạo nên.