Đề bài
Câu 1. (2 điểm)
Nhớ và chép thuộc lòng đoạn thơ từ “Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới” đến “Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ” (Trích Quê hương - Tế Hanh).
Câu 2. (8 điểm)
Hãy nêu lên cái hay của việc sử dụng các biện pháp tu từ trong đoạn trích miêu tả “Con thuyền đánh cá ra khơi”.
Lời giải chi tiết
Câu 1.
Nhớ và chép thuộc lòng đoạn thơ từ “Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới” đến “Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ” (Trích Quê hương - Tế Hanh). |
Phương pháp:
Nhớ lại nội dung bài thơ và chép thuộc
Lời giải chi tiết:
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...
Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”,
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.
Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.
Câu 2.
Hãy nêu lên cái hay của việc sử dụng các biện pháp tu từ trong đoạn trích miêu tả “Con thuyền đánh cá ra khơi”. |
Phương pháp:
Đọc kĩ câu thơ và xác định biện pháp tu từ
Lời giải chi tiết:
Cái hay của việc sử dụng các biện pháp tu từ trong đoạn trích miêu tả “Con thuyền đánh cá ra khơi”:
- Con thuyền được so sánh với “con tuấn mã”, một cách so sánh thật hợp lí. Con tuấn mã ấy đang “hăng”, mang trạng thái đầy phấn chấn, mạnh mẽ. Từ “phăng” được đặt ở đầu câu thơ như thúc đẩy mái chèo và con thuyền băng băng trên sóng. Thuyền nhẹ, trai tráng khoẻ mạnh ra khơi với một khí thế sôi nổi, hào hứng.
- Miêu tả cánh buồm, tác giả sử dụng nghệ thuật so sánh, nhân hoá: “Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”. Cánh buồm - một sinh thể biết cử động, mang một mảnh hồn quê ra biển. Cánh buồm là máu thịt, là linh hồn của làng theo thuyền ra khơi. Cánh buồm đã trở thành biểu tượng của người dân làng chài.
Nguồn: Sưu tầm