Đề bài

PHÒNG GD & ĐT HÀ ĐÔNG

TRƯỜNG THCS PHÚ LƯƠNG

............

ĐỀ CHÍNH THỨC

KIỂM TRA HỌC KÌ II

Năm học 2019 - 2020

.................

Môn: Ngữ văn 8

Ngày 17/6/2020

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề kiểm tra gồm 01 trang)

Câu 1: (2 điểm)

Nêu đặc điểm hình thức và chức năng chính của câu nghi vấn. Cho ví dụ minh họa.

Câu 2: (3 điểm)

Trình bày cảm nhận của em về tâm trạng người tù chiến sĩ qua đoạn thơ:

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi

Ngột làm sao, chết uất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu

                                   (Tố Hữu – Khi con tu hú)

Câu 3: (5 điểm)

Bác Hồ dạy: “Học đi đôi với hành”. Em hiểu lời dạy trên như thế nào?

 

………………Hết………………

Lời giải chi tiết

Câu 1.

Nêu đặc điểm hình thức và chức năng chính của câu nghi vấn. Cho ví dụ minh họa.

Phương pháp: Căn cứ vào bài học Câu nghi vấn đã học.

Cách giải:

- Đặc điểm hình thức:

+ Câu nghi vấn có những từ ngữ nghi vấn (ai, gì, nào, sao, tại sao, đâu, bao giờ, bao nhiêu, à, ư, hả, chứ…) hoặc có từ hay (nối các vế có quan hệ lựa chọn).

+ Câu nghi vấn thường kết thúc bằng dấu chấm hỏi.

- Chức năng chính: dùng để hỏi.

- Ví dụ: Bạn tìm ra đáp án câu này chưa; Em tên là gì?; Bạn thích môn Toán hay môn Văn?...

Câu 2:

Trình bày cảm nhận của em về tâm trạng người tù chiến sĩ qua đoạn thơ:

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi

Ngột làm sao, chết uất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu

                                   (Tố Hữu – Khi con tu hú)

Phương pháp:

- Sử dụng các thao tác lập luận phân tích, tổng hợp để tạo lập một đoạn văn nghị luận văn học.

Cách giải:

- Về kĩ năng:

+ Viết đoạn văn nghị luận về vấn đề tâm trạng người tù chiến sĩ qua đoạn thơ Khi con tu hú.

+ Đoạn văn đáp ứng hình thức, lập luận thuyết phục, không mắc lỗi diễn đạt.

- Về kiến thức: Nắm chắc kiến thức tác phẩm và trình bày một cách thuyết phục. Có thể tham khảo một dàn ý sau:

- Giới thiệu khái quát về tác giả Tố Hữu, tác phẩm "Khi con tu hú", trích đoạn thơ và nội dung phân tích (tâm trạng của người tù chiến sĩ).

- Trình bày cảm nhận về đoạn thơ cần đảm bảo các ý sau:

Nội dung:

+ Sự đau khổ, uất ức, ngột ngạt được diễn tả một cách trực tiếp qua một loạt các từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm, những động từ mạnh: đạp tan phòng, chết uất…, những từ cảm thán: ôi, làm sao, chết uất thôi.

+ Niềm khao khát cháy bỏng muốn phá tan chế độ tù đày, gông xiềng, muốn thoát khỏi phòng giam tù túng, chật chội của chế độ đế quốc, thực dân.

+ Tiếng chim tu hú vang vọng vào nhà giam như thiêu đốt tâm can như giục giã người tù chiến sĩ trở về với cuộc sống tự do, với anh em, đồng chí.

+ Từ tâm trạng của nhà thơ chiến sĩ ta thấy được tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, tình yêu quê hương, đất nước và khát vọng tự do cháy bỏng. Đây chính là cuộc vượt ngục tinh thần của người chiến sĩ cách mạng.

Nghệ thuật: thể thơ lục bát, sử dụng nhiều động từ mạnh, những từ ngữ gợi tả tâm trạng, cách ngắt nhịp...tập trung khắc hoạ sinh động rõ nét tâm trạng của nhà thơ - người chiến sĩ cách mạng bất khuất vượt lên trên hoàn cảnh tù ngục.

Câu 3.

Bác Hồ dạy: “Học đi đôi với hành”. Em hiểu lời dạy trên như thế nào?

Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận, …) để tạo lập một văn bản nghị luận xã hội.

Cách giải:

- Yêu cầu hình thức:

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận xã hội để tạo lập văn bản.

+ Văn bản đầy đủ bố cục 3 phần; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Yêu cầu nội dung:

I. Mở bài: 

- Giới thiệu về vấn đề cần bàn luận: lời dạy của Bác hồ “Học đi đôi với hành”

II. Thân bài

1. Giải thích

a. Học là gì?

- Học là lĩnh hội, tiếp thu kiến thức từ những nguồn kiến thức như thầy cô, trường lớp, ….

- Sự tiếp nhận các điều hay, hữu ích trong cuộc sống và xã hội.

- Học còn là nền tảng cho việc áp dụng áp dụng thực tế đạt hiệu quả.

- Học không chỉ là sự tiếp nhận kiến thức mà còn là việc học các lễ nghi, các điều hay lẽ phải của cuộc sống, …

- Những người không có kiến thức sẽ khó tồn tại trong xã hội.

b. Hành là gì?

- Hành là việc vận dụng những điều học được vào thực tế của cuộc sống.

- Hành còn là mục đích của việc học, để có đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.

- Thực hành giúp ta nắm chắc kiến thức hơn, nhớ lâu hơn và hiểu sâu hơn những điều được học.

c. Tại sao học phải đi đôi với hành?

- Học mà không có hành sẽ không hiểu được vấn đề, gây lãng phí thời gian.

- Còn hành mà khong có học sẽ không có kết quả cao.

2. Lợi ích

- Hiệu quả trong học tập.

- Đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả.

- Học sẽ không bị nhàm chán.

3. Phê phán lối học sai lầm

- Học chuộng hình thức

- Học cầu danh lợi

- Học theo xu hướng

- Học vì ép buộc

4. Bình luận

- Học đi đôi với hành là một phương pháp học đúng đắn

- Nêu cách học của mình

- Thường xuyên vận dụng cách học này

- Có những ý kiến để phát huy phương pháp học này

5. Liên hệ bản thân

- Bản thân sẽ thay đổi cách học theo hướng “học đi đôi với hành” để trau dồi bản thân và rèn luyện cho mình ngày một tiến bộ hơn.

III. Kết bài: 

- Nêu cảm nghĩ của e về “học đi đôi với hành”.

- Khẳng định học đi đôi với hành là một phương pháp học hiệu quả.