Đề bài
Câu 1:
Đọc kĩ những ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Ngữ liệu 1: Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu! (1)
(Dẫn theo Ngữ văn 8, tập 2, trang 19)
Ngữ liệu 2: Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,
Đối thử lương tiêu nại nhược hà? (2)
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song khích khán thi gia.
(Dẫn theo Ngữ văn 8, tập 2, trang 37)
1. Những ngữ liệu trên được trích từ các văn bản nào? Điểm gặp gỡ trong hoàn cảnh sáng tác của các văn bản đó là gì?
2. Những hình ảnh nào của thiên nhiên đã tác động đến tâm trạng của nhân vật trữ tình trong mỗi đoạn thơ trên? Từ việc hiểu hai đoạn thơ và trải nghiệm của bản thân, hãy nói về ý nghĩa của thiên nhiên với đời sống tâm hồn con người. (Thể hiện bằng một đoạn văn không quá ½ trang giấy thi).
Câu 2:
1. Kể tên kèm thể loại của các văn bản nghị luận trung đại đã học.
2. Hồ Chí Minh đã từng viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quí báu của ta.” (Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, Ngữ văn 7, tập 2, trang 24)
Lựa chọn hai văn bản nghị luận trung đại đã học để làm rõ truyền thống yêu nước của dân tộc Việt.
Lời giải chi tiết
Câu 1
1. Những ngữ liệu trên được trích từ các văn bản nào? Điểm gặp gỡ trong hoàn cảnh sáng tác của các văn bản đó là gì? |
Phương pháp: căn cứ nội dung các văn bản đã học
Cách giải:
- Văn bản:
+ Ngữ liệu 1: Khi con tu hú (Tố Hữu).
+ Ngữ liệu 2: Vọng nguyệt
- Ngắm trăng (Hồ Chí Minh)
- Điểm gặp gỡ trong hoàn cảnh sáng tác: cả hai bài thơ đều được ra đời lúc tác giả - người chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nơi chốn ngục tù.
2. Những hình ảnh nào của thiên nhiên đã tác động đến tâm trạng của nhân vật trữ tình trong mỗi đoạn thơ trên? Từ việc hiểu hai đoạn thơ và trải nghiệm của bản thân, hãy nói về ý nghĩa của thiên nhiên với đời sống tâm hồn con người. (Thể hiện bằng một đoạn văn không quá ½ trang giấy thi). |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
A. Yêu cầu về kĩ năng: học sinh có kĩ năng dựng đoạn, không tách xuống dòng, hành văn trôi chảy, mạch lạc, tránh mắc lỗi chính tả, phương thức nghị luận, trình bày theo phương pháp qui nạp, diễn dịch hay song hành...
B. Yêu cầu về kiến thức:
- Xây dựng được luận điểm cho đoạn văn, thấy được thiên nhiên có ý nghĩa to lớn với đời sống tâm hồn của con người. Dưới đây là một số gợi ý:
+ Thiên nhiên là một phần của cuộc sống. Đến với thiên nhiên, ngắm nhìn một sông, một vầng trăng, một bông hoa nở, lắng nghe một tiếng chim ca, tiếng suối chảy…ta như thấy sự kì diệu của cuộc sống, thấy được niềm vui, niềm hạnh phúc, thấy ta được yêu thương thật nhiều.
+ Cái đẹp của thiên nhiên có sức lay động. Trong những giây phút đắm mình cùng thiên nhiên ta sẽ suy ngẫm nhiều hơn, biết trân trọng hơn cuộc sống này.
Câu 2
1. Kể tên kèm thể loại của các văn bản nghị luận trung đại đã học. |
Phương pháp: căn cứ nội dung các văn bản đã học
Cách giải:
- Chiếu dời đô (Lí Công Uẩn) - chiếu.
- Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn) – hịch.
- Nước Đại Việt ta (Trích “Bình Ngô đại cáo”- Nguyễn Trãi) – cáo.
- Bàn luận về phép học (Nguyễn Thiếp) – tấu.
2. Hồ Chí Minh đã từng viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quí báu của ta.” (Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, Ngữ văn 7, tập 2, trang 24) Lựa chọn hai văn bản nghị luận trung đại đã học để làm rõ truyền thống yêu nước của dân tộc Việt. |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
a. Yêu cầu về kĩ năng
- Bài viết đảm bảo bố cục ba phần rõ ràng.
- Đáp ứng yêu cầu của kiểu bài nghị luận với phương pháp lập luận chủ yếu là chứng minh.
- Xác lập hệ thống luận diểm cụ thể, rõ ràng, có kĩ năng lựa chọn và phân tích dẫn chứng.
- Có kết hợp yếu tố miêu tả, biểu cảm, tự sự một cách hợp lí.
- Dùng từ, đặt câu chính xác, đúng ngữ pháp.
- Trình bày rõ ràng, văn viết mạch lạc.
b) Yêu cầu về kiến thức
- Học sinh cần có khả năng đọc đề, giải thích để từ đó thấy rằng tình cảm yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử văn học dân tộc. Tình cảm đó được thể hiện mãnh liệt trong những lời tâm huyết của những nhà lãnh đạo đất nước từ xa xưa. Ta có thể kể đến những văn bản nghị luận trung đại tiêu biểu như “Chiếu dời đô” của Lí Thái Tổ, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Nước Đại Việt ta”- trích “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, Bàn luận về phép học của Nguyễn Thiếp.
- Học sinh biết lựa chọn, phân tích những dẫn chứng tiêu biểu trong hai văn bản để làm sáng tỏ vấn đề:
+ Chiếu dời đô ra đời khi Lí Thái Tổ mới lên ngôi. Nhà vua mong muốn có một kinh đô to rộng để có thể phát triển đất nước. Đó là lí do vì sao ông đã phê phán và chỉ ra việc đóng đô ở vùng Hoa Lư đã không còn phù hợp nữa: "Cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số phận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi". Lí Công Uẩn bày tỏ cả tấm lòng mình: “Trẫm rất đau xót về việc đó". Bởi tấm lòng đau đáu nghĩ đến một mảnh đất thiêng có thể phù trợ cho việc phát triển đất nước, nhà vua đã nhìn ra thế đất của thành Đại La. Đó là nơi có vị thế thuận lợi về nhiều mặt có thể tính kế muôn đời. Tình cảm của một ông vua luôn hướng về vận mệnh, sự tồn vong của giang sơn xã tắc là một biểu hiện sâu sắc của lòng yêu nước.
+ Trong “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, tấm lòng yêu nước được thể hiện trực tiếp qua nhiều phương diện.Tác giả lột tả sự ngang ngược và tội ác của giặc. Bộ mặt của quân giặc được phơi bày đồng thời tác giả cũng bày tỏ thái độ căm thù, khinh bỉ cực độ của mình đối với bọn chúng. Qua bài hịch này, hình tượng người anh hùng yêu nước, căm thù giặc, sẵn sàng xả thân vì đất nước được khắc hoạ rõ nét. Những lời tâm huyết, gan ruột của vị tướng có sức lay động mạnh mẽ, truyền cho tướng sĩ tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sục sôi và một thái độ xả thân, chấp nhận hi sinh vì non sông xã tắc. Chẳng những vậy, tấm lòng yêu nước của vị đại tướng đáng kính còn được thể hiện sâu đậm qua tấm lòng của một chủ tướng đối với binh lính của mình: yêu thương nhưng cũng rất nghiêm khắc.
+ Nước Đại Việt ta: Nguyễn Trãi đã khẳng định rằng, nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả nhất của quân đội là “lo trừ bạo” cho an dân, bình thiên hạ. Tư tưởng ấy chi có thể có ở một con người yêu nước vĩ đại. Nguyễn Trãi có một lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc sâu sắc khi khẳng định chủ quyền dân tộc trên nhiều phương diện: văn hiến, lãnh thổ, lịch sử các triều đại, phong tục tập quán, người tài. Lòng yêu nước còn thể hiện ở niềm tự hào trước những chiến thắng vẻ vang của cha ông và quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước.
+ Bàn luận về phép học: lòng yêu nước thể hiện ở thái độ coi trọng người tài, coi trọng việc giáo dục để từ đó thể xây dựng một đất nước thái bình, phồn thịnh. “Đạo học thành thì người tốt nhiều, người tốt nhiều thì triều đình ngay ngắn mà thiên hạ thịnh trị”.
- Lòng yêu nước được biểu hiện rất đa dạng, nhiều vẻ khác nhau song cùng gặp gỡ ở mong muốn đất nước yên bình, phát triển bền vững, thịnh vượng.