Đề bài

I. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)

Trả lời các câu hỏi bằng cách khoanh tròn chữ cái trước phương án trả lời đúng. (Mỗi câu đúng được 0,25 điểm)

Câu 1. Văn bản Tôi đi học (Thanh Tịnh) được viết theo thể loại nào?

A. Bút kí

B. Tiểu thuyết

C. Truyện ngắn

D. Tuỳ bút

Câu 2. Chủ đề của văn bản Tôi đi học nằm ở phần nào?

A. Quan hệ giữa các phần của văn bản

B. Nhan đề của văn bản

C. Các từ ngữ, câu then chốt trong văn bản

D. Cả A, B, C

Câu 3. Văn bản Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng được trích từ tác phẩm nào?

A. Những ngày thơ ấu

B. Quê mẹ

C. Tắt đèn

D. Thời kì đen tối

Câu 4. Truyện ngắn Lão Hạc của tác giả nào sau đây?

A. Ngô Tất Tố

B. Nguyên Hồng

C. Nam Cao

D. Thanh Tịnh

Câu 5. Ý kiến nào nói được đầy đủ nhất về nghệ thuật xây dựng nhân vật chính của nhà văn Nam Cao trong truyện ngắn Lão Hạc?

A. Đặt nhân vật vào tình huống trớ trêu để tự bộc lộ mình

B. Để cho nhân vật khác nhận xét về nhân vật chính

C. Để nhân vật chính đối thoại với các nhân vật khác để bộc lộ mình

D. Cả A, B, C

Câu 6. Các văn bản Tôi đi học, Trong lòng mẹ, Lão Hạc cùng có sự kết hợp các phương thức biểu đạt nào?

A. Miêu tả, biểu cảm, nghị luận

B. Tự sự, miêu tả, biểu cảm

C. Miêu tả, nghị luận, tự sự

D. Tự sự, biểu cảm, nghị luận

Câu 7. Tâm lí, tính cách của chị Dậu được miêu tả như thế nào ở các thời điểm khác nhau trong đoạn trích?

A. Có sự đối lập, mâu thuẫn với nhau

B. Nhẫn nhục chịu đựng từ đầu đến cuối

C. Có sự phát triển nhất quán với nhau

D. Cả A, B, C đều sai

Câu 8. Nhận định nào đúng nhất vể tính chất của truyện ngắn Cô bé bán diêm (An-đéc-xen)?

A. Là truyện cổ tích thần kì.

B. Là truyện cổ tích cảm động.

C. Là truyện ngắn bi kịch.

D. Là một truyện ngắn có hậu.

Câu 9. Qua các lần quẹt diêm, mộng tưởng của nhân vật “em” trong truyện Cô bé bán diêm của nhà văn An-đéc-xen được diễn ra theo trình tự nào?

A. Lò sưởi, bàn ăn, hai bà cháu bay đi, cây thông Nô-en, người bà

B. Lò sưởi, bàn ăn, cây thông Nô-en, hai bà cháu bay đi, người bà

C. Hai bà cháu bay đi, người bà, lò sưởi, bàn ăn, cây thông Nô-en

D. Lò sưởi, bàn ăn, cây thông Nô-en, người bà, hai bà cháu bay đi

Câu 10.  Các nhân vật trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của o Hen-ri làm nghề gì?

A. Diễn viên

B. Bác sĩ

C. Hoạ sĩ

D. Nhà văn

Câu 11. Văn bản Chiếc lá cuối cùng là tác phẩm văn học của nước nào?

A. Tây Ban Nha

B. Cư-rơ-gư-xtan

C. Mĩ

D. Đan Mạch

Câu 12.  Qua câu chuyện của nhà văn O Hen-ri em hiểu một tác phẩm nghệ thuật được đánh giá là kiệt tác khi:

A. Tác phẩm đó đẹp đặc biệt

B. Tác phẩm đó đồ sộ

C. Tác phẩm đó có ích cho cuộc sống

D. Tác phẩm đó độc đáo

II. TỰ  LUẬN ( 7,0 điểm)

Câu 1. Trong văn bản Tôi đi học (Thanh Tịnh) có những so sánh mới mẻ, hấp dẫn. Hãy phân tích một so sánh mà em cho là thú vị nhất. (2,5 điểm)

Câu 2. Đoạn văn sau còn thiếu hai từ, em hãy điền hai từ đó vào đúng vị trí trong đoạn và nói rõ tác dụng của chúng. (1,0 điểm)

Cái đầu lão nghoẹo về một bên và cái miệng của lão mếu như con nít. Lão khóc.

(Nam Cao, Lão Hạc)

Câu 3. Qua các văn bản Tôi đi học, Trong lòng mẹ, Tức nước vỡ bờ, em hiểu được những gì về phẩm chất của người mẹ, người vợ, người phụ nữ Việt Nam? Viết đoạn văn khoảng 8 - 10 câu trình bày suy nghĩ của em. (3,5 điểm)

Lời giải chi tiết

I. TRẮC NGHIỆM

1 - C

2 - D

3 - A

4 - C

5 - D

6 - B

7 - C

8 - B

9 - D

10 - C

11 - C

12 - C

II. TỰ LUẬN

Câu 1.      

Trong văn bản Tôi đi học (Thanh Tịnh) có những so sánh mới mẻ, hấp dẫn. Hãy phân tích một so sánh mà em cho là thú vị nhất.

Phương pháp:

Nhớ lại nội dung văn bản và lựa chọn 1 so sánh mà em thích nhất

Lời giải chi tiết:

 Câu văn: "Trước mắt tôi trường Mĩ Lí trông vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hòa Áp".

- Nhân vật "tôi" đã từng đi bẫy chim quyên, từng ghé lại trường một lần; lần ấy chú thấy trường "là một nơi xa lạ" "cao ráo sạch sẽ hơn các nhà trong làng". Nhưng lần này trường Mĩ Lí đã trở thành trường của chú nên chú mới cảm thấy "xinh xắn". Tâm trạng một học trò mới "lo sợ vẩn vơ" và bỡ ngỡ nên mới cảm thấy trường Mì Lí "oai nghiêm như cái đình làng Hòa Ấp". Hình ảnh so sánh này cũng thể hiện sự ngây thơ, hồn nhiên của nhân vật "tôi" trong buổi tựu trường.

Câu 2. 

Đoạn văn sau còn thiếu hai từ, em hãy điền hai từ đó vào đúng vị trí trong đoạn và nói rõ tác dụng của chúng.

Cái đầu lão nghoẹo về một bên và cái miệng của lão mếu như con nít. Lão khóc.

Phương pháp:

Đọc kĩ và điền từ phù hợp

Lời giải chi tiết:

Cái đầu lão nghoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc.

- Tác dụng của hai từ móm mém, hu hu: Miêu tả chân dung ngoại hình và tâm trạng đau đớn, ân hận của lão Hạc khi kể chuyện bán chó... cụ thể, chân thực. Sự kết hợp khéo léo giữa kể và tả đó đã tạo nên giọng điệu và cái hay cho đoạn văn.

Câu 3.

Qua các văn bản Tôi đi học, Trong lòng mẹ, Tức nước vỡ bờ, em hiểu được những gì về phẩm chất của người mẹ, người vợ, người phụ nữ Việt Nam? Viết đoạn văn khoảng 8 - 10 câu trình bày suy nghĩ của em. 

Phương pháp:

Nhớ lại nội dung của các văn bản

Lời giải chi tiết:

- Trong tác phẩm "Trong lòng mẹ" và "Tôi đi học" người phụ nữ Việt Nam là một người hết lòng yêu thương con cái

+ "Tôi đi học": mẹ là người dìu dắt con đến trường, chăm lo cho con; mẹ là người dộng viên, khuyến khích con tự tin tiến lên phía trước; mẹ cũng là người vỗ về an ủi, không hề trách mắng mà bao dung con, tiếp cho con sức mạnh để con bước vào tương lai

+ "Trong lòng mẹ": Người mẹ ấy ôm Hồng vào lòng, tỉ mỉ quan sắt chăm sóc Hồng từng li từng tí. Xúc động khi gặp lại hình hài máu mủ.

- Người phụ nữ Việt Nam còn là một người mạnh mẽ:

+ Chị Dậu trong "Tức nước vỡ bờ" vì quá thương và yêu chồng nên đã liều mạng chống lại tên cai lệ và người nhà Lý trưởng. 

+ Người mẹ trong tác phẩm "Trong lòng mẹ" cũng là người phụ nữ mạnh mẽ vì dù chịu bao đau đớn tủi cực nhưng cô vẫn trở về nhà, mặc kệ ánh mắt trì chiết của mọi người và bà cô độc ác. 

- Họ còn là những người phụ nữ yêu chồng tha thiết:

+ Chị Dậu vì chồng ốm, chồng đau, chồng bị đánh mà vùng lên đánh lại bọn cai lệ và người nhà Lý trưởng khiến người đọc phải sửng sốt.

+ Mẹ của bé Hồng dù chồng nghiện ngập, bị em chồng ghét bỏ phải đi tha hương nhưng khi giỗ đầu của chồng vẫn không quản ngại đường xá xa xôi về tham dự, lo lắng chu đáo.