Xin chào các em! Và sau đây, Soạn Văn sẽ tiếp tục hướng dẫn các em soạn văn bản: Bài ca ngắn đi trên bãi cát.

Đây là một bài thơ rất hay và ý nghĩa của tác giả Cao Bá Quát. Được biên soạn trong chương trình Ngữ Văn 11 Tập 1. Mời các em cùng tham khảo nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả: Cao Bá Quát (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả trong SGK Ngữ Văn 11 Tập 1).

2. Tác phẩm

* Thể thơ: Bài ca ngắn đi trên bãi cát thuộc thể thơ ca hành, đây là một thể thơ không bị gò bó vào luật và vần được gieo tương đối tự do.

* Hoàn cảnh sáng tác: Cao Bá Quát đi thi hội, trên đường vào kinh đô Huế, qua các tỉnh miền Trung đầy cát trắng (Quảng Bình, Quảng Trị). Chính hình ảnh những bãi cát dài, sóng biển và núi là những hình ảnh có thực gợi cảm hứng cho nhà thơ sáng tác bài thơ này.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Ý nghĩa tượng trưng của các yếu tố tả thực hình ảnh người đi trên bãi cát:

* Hình ảnh bãi cát: Bãi cát dài lại bãi cát dài mênh mông dường như trải dài đến vô tận.

  • Hình ảnh tả thực: thiên nhiên đẹp nhưng dữ đội, khắc nghiệt
  • Hình ảnh biểu tượng: con đường khó khăn mà con người phải vượt qua để đi đến danh lợi.

* Hình ảnh con người đi trên bãi cát:

  • Đi một bước như lùi một bước: nỗi vất vả khó nhọc khi đi trên cát
  • Không gian đường xa, bị bao vây bởi núi sông và biển rộng
  • Thời gian: khi mặt trời đã lặn vẫn còn tiếp tục đi
  • Nước mắt rơi: sự khó nhọc, gian truân của người đi trên cát.

Qua đây, chúng ta có thể thấy, tác giả đã mượn hình ảnh của con người đi trên cát để thể hiện nỗi niềm day dứt, đau xót của tác giả trên con đường tìm đến lý tưởng, nhưng tiếc rằng chính cái xã hội bù nhìn đã không cho ông lối thoát.

Câu 2:

Giải thích nội dung và chỉ ra sự liên kết ý nghĩa của 6 câu thơ:

Không học được tiên ông phép ngủ

Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!

Xưa nay, phường danh lợi,

Tất tả trên đường đời.

Đầu gió hơi men thơm quán rượu

Người say vô số, tỉnh bao người?

Sáu câu thơ nghe có vẻ rời rạc nhưng thực chất đây lại là một sự liên kết khá logic và chặt chẽ. Danh lợi mà tác giả muốn nói đến ở đây là việc học hành, thi cử để đạt được một vị trí trong chốn quan trường và đây cũng chính là khái niệm xâu chuỗi toàn bộ đoạn thơ.

Hai câu thơ đầu thể hiện nỗi chán nản của nhà thơ vì đã tự mình hành hạ mình để theo đuổi công danh. Trong khi đó, bốn câu thơ còn lại nói về sự cám dỗ của công danh đối với người đời. Hình ảnh men say thật đáng để cho người đời suy nghĩ. Đó không chỉ là lời ca thán của tác giả mà còn là lời đánh giá đúng bản chất của xã hội đương thời.

=> Tóm lại, sáu câu thơ là bước chuẩn bị cho kết luận của tác giả: cần phải thoát khỏi cơn say danh lợi vô nghĩa.

Câu 3:

* Tâm trạng của lữ khách khi đi trên bãi cát là: mệt mỏi rã rời, chán nản.

* Tầm tư tưởng của Cao Bá Quát được thể hiện ở chỗ ông đã nhận ra tính chất vô nghĩa của lối học khoa cử, của con đường công danh theo lối cũ. Người đi trên cát chính là hình tượng của một kẻ sĩ cô độc, lẻ loi, đầy trăn trở nhưng kỳ vĩ, vừa quả quyết nhưng cũng vừa tuyệt vọng trên con đường chông gai đi tìm chân lý.

Câu 4:

Ý nghĩa của nhịp điệu bài thơ đối với việc diễn tả cảm xúc và suy tư của nhân vật trữ tình:

  • Nhịp điệu của bài thơ rất độc đáo, những câu thơ 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ với ngắt nhịp khá linh hoạt. Khi thì nhịp 2/3 mô phỏng bước đi khó nhọc trên bãi cát, khi là 3/5, khi lại 4/3. Những lúc dừng lại suy nghĩ, câu thơ lại kéo dài ra, nhịp thơ cũng được biến hóa sao cho phù hợp.
  • Từng nhịp điệu của bài thơ đều diễn tả tâm trạng khi khó nhọc, khi day dứt, khi thì đau khổ bước trên con đường của mình.