Xin chào các em! Hôm nay, Soạn Văn sẽ tiếp tục hướng dẫn các em soạn văn bản: Hạnh phúc của một tang gia. Đây là một trích đoạn trong tác phẩm rất nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng - Số đỏ, được đánh giá vào loại xuất sắc nhất của văn xuôi Việt Nam kể từ khi có chữ quốc ngữ.
Tác phẩm được biên soạn trong chương trình Ngữ Văn 11 Tập 1. Mời các em cùng tham khảo để hiểu thêm về cuộc sống xã hội ngày xưa nhé!
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả: Vũ Trọng Phụng (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả trong SGK Ngữ Văn 11 Tập 1).
2. Tác phẩm
* Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia là toàn bộ chương XV của tác phẩm Số đỏ, được đăng báo vào năm 1936. Qua đoạn trích, Vũ Trọng Phụng đã phê phán gay gắt bản chất giả dối và sự lố lăng, đồi bại của xã hội được coi là "thượng lưu" ở thành thị ngày ấy.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
* Nhan đề Hạnh phúc của một tang gia: có một sự mâu thuẫn đầy nghịch lý, có khả năng kích thích trí tò mò của người đọc:
- Hạnh phúc: niềm vui của con người khi đã đạt được những ước nguyện trong cuộc sống.
- Tang gia: là gia đình có người thân ra đi mãi mãi, mọi người trong nhà đều đau buồn khôn xiết.
-> Ta thấy, nhan đề đã phản ánh một sự mâu thuẫn trong tâm lý con người: một bên là niềm vui sướng, hạnh phúc, còn một bên là mất mát không bao giờ bù đắp được, vậy mà chúng lại song hành và gắn kết với nhau. Dự báo sẽ có một màn kịch diễn ra với nhiều cảnh nghịch lý, nhiều pha cười ra nước mắt.
* Tình huống truyện: Cụ cố tổ mất đi tức là cũng đã đến lúc tờ di chúc của cụ được thực hiện, gia tài kếch xù của cụ sẽ được chia cho con cháu, dâu rể,... Như vậy, có thể nói, cái chết của cụ đã được mọi người chờ đợi và mong muốn nó đến thật nhanh từ rất lâu rồi.
-> Tình huống này đã làm bộc lộ những mâu thuẫn theo nhiều tình huống khác nhau tạo nên một màn kịch hài phong phú và biến hóa.
Câu 2:
* Cái chết của cụ cố tổ là niềm "hạnh phúc" của mọi thành viên trong gia đình cụ là bởi: khi cụ mất đi, đồng nghĩa với việc cái di chúc của cụ sẽ được đi vào thực hành, chứ không còn là lý thuyết nữa.
* Niềm "hạnh phúc" khác nhau của mỗi người trong đại gia đình cụ cố Hồng và những người đến đưa đám ma:
- Cụ cố Hồng: nghĩ đến lúc mình mặc áo xô gai, lụ khụ chống gậy ho ra máu, diễn trò già yếu, ốm đau để thiên hạ bình phẩm mình.
- Ông Văn Minh: thích thú vì cái di chúc kia đã đi vào thực hiện chứ không còn là lý thuyết nữa.
- Bà Văn Minh: mừng rỡ vì được dịp lăng xê những mốt y phục táo bạo nhất.
- Cậu Tú Tân: sung sướng điên người vì đã có dịp sử dụng lại máy ảnh lâu không dùng đến.
- Cô Tuyết được dịp mặc y phục ngây thơ để chứng tỏ mình vẫn còn "nửa chữ trinh", nhưng lại đau khổ vì "không thấy bạn giai đâu cả".
- Ông Phán mọc sừng sung sướng vì không ngờ cái sừng trên đầu mình lại có giá trị đến thế.
- Xuân Tóc Đỏ ngày càng danh giá và uy tín vì chính nhờ y mà cụ cố tổ đã chết.
- Những người đến đưa đám ma thì coi đó là một buổi họp mặt, khoe đủ thứ trang phục và phê bình đủ các kiểu,...
=> Mỗi người đều có niềm "hạnh phúc" riêng đối với cái chết của cụ cố tổ, nhưng hành động của họ là của những kẻ bất hiếu. Qua đây, tác giả muốn phê phán những kẻ lố lăng, đồi bại và xuống dốc của đạo lý, của nhân cách con người.
Câu 3:
Phân tích cảnh "đám ma gương mẫu".
- Một "đám ma to" được tổ chức "theo cả lối Ta, Tàu, Tây, có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc xoảng và bú dích".
- Bề ngoài thì thật là long trọng, gương mẫu, nhưng thực chất chẳng khác gì một đám rước nhố nhăng, đi đến đâu huyên náo đến đấy, tràn ngập vòng hoa, câu đối, mọi người thi nhau chụp ảnh như hội chợ.
- Những người đi đưa tang đông đúc, ăn mặc sang trọng, nam nữ chim nhau, cười tình với nhau, chê bai nhau,...
=> Đây là một tấn đại hài kịch. Nó nói lên sự lố lăng, đồi bại của cái xã hội thượng lưu Âu hóa đương thời.
Câu 4:
Từ "niềm hạnh phúc" của các nhân vật do cái chết của cụ cố tổ đem lại và cảnh tượng của cái "đám ma gương mẫu" cho ta thấy thực trạng của xã hội "thượng lưu" thành thị đương thời lúc bấy giờ. Đó là một xã hội suy tàn với những chế độ thối nát. Tác giả đã miêu tả đầy đủ những hình ảnh đó để thể hiện những hình ảnh chi tiết trong đoạn văn. Hình ảnh này biểu tượng cho một điều đó là đồng tiền đã làm mờ mắt con người, họ chỉ biết đến tiền mà không biết đến tình người.
Câu 5:
Nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng ở đoạn trích này:
- Tạo tình huống cơ bản rồi mở ra những tình huống khác
- Khai thác và sử dụng triệt để biện pháp đối lập cùng tồn tại trong một sự vật, một con người để làm nổi bật lên tiếng cười.
- Giọng văn mỉa mai, sử dụng thủ pháp cường điệu, nói quá một cách linh hoạt.
- Ngòi bút miêu tả sắc sảo: Những nét riêng của từng nhân vật trong đoạn trích.