Xin chào các em! Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Phần 1: Tác giả Nguyễn Đình Chiểu.
Bài học được biên soạn trong chương trình SGK Ngữ Văn 11 Tập 1. Các em hãy cùng tham khảo để hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu nhé!
Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
* Những nét chính về cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu:
- Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888), tự là Mạnh Trạch, hiệu là Trọng Phủ, Hối Trai, sinh tại quê mẹ - làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), xuất thân trong một gia đình nhà nho.
- Năm 1843, ông đỗ tú tài
- Năm 1846, ông ra Huế học, chuẩn bị thi tiếp thì được tin mẹ mất, ông phải bỏ thi để về quê chịu tang mẹ. Dọc đường về, ông bị đau mắt nặng rồi bị mù. Ông về Gia Định, mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và làm thơ.
- Năm 1859, Pháp đánh vào Bến Nghé, ông lại chuyển về Cần Giuộc, rồi về Bến Tre. Mặc dù bị giặc Pháp dụ dỗ nhưng ông vẫn luôn giữ tấm lòng son sắt và chung thủy với đất nước.
=> Qua cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu cho chúng ta thấy ông là một tấm gương lớn giàu nghị lực sống, giàu lòng yêu nước và có tinh thần bất khuất, kiên cường trước kẻ thù xâm lược.
Câu 2:
a) Lý tưởng đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu được xây dựng trên cơ sở tình cảm: mang tinh thần nhân nghĩa của đạo Nho, nhưng lại rất đậm đà tính nhân văn và truyền thống dân tộc. Đó là những con người có tấm lòng nhân hậu, thủy chung, biết giữ gìn nhân cách ngay thẳng, cao cả, dám đấu tranh và có đủ sức mạnh để chống lại những thế lực bạo tàn, cứu nhân độ thế.
b) Nội dung trữ tình yêu nước trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu:
- Ghi lại chân thực thời kỳ đau thương của đất nước, khích lệ lòng căm thù giặc, biểu dương tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược.
- Ca ngợi những sĩ phu yêu nước
- Giữ niềm tin vào tương lai tươi sáng
- Tinh thần bất khuất trước kẻ thù
=> Những sáng tác thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu đã đáp ứng xuất sắc những yêu cầu của cuộc sống và chiến đấu đương thời. Nó có tác dụng động viên, khích lệ tinh thần và ý chí cứu nước của nhân dân ta.
c) Sắc thái Nam Bộ độc đáo của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu được biểu hiện ở từng nhân vật trong các rác phẩm của ông. Mỗi người dân Nam Bộ có thể dễ dàng bắt gặp mình trong các nhân vật của ông, từ lời ăn, tiếng nói, sự mộc mạc, chất phác cho đến tâm hồn nồng nhiệt, cách cư xử khoáng đạt, hồn nhiên.
Câu 3:
Điều gần gũi về tư tưởng nhân nghĩa giữa 2 nhà thơ Nguyễn Trãi và Nguyễn Đình Chiểu: Nguyễn Trãi cũng lấy cái nền tảng của nhân nghĩa là quyền lợi của nhân dân. Nhưng đến Nguyễn Đình Chiểu thì tư tưởng nhân nghĩa mới thực sự phổ biến rộng rãi đến nhân dân, thực sự gần gũi với nhân dân.
Các em hãy tiếp tục theo dõi bài soạn Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Phần 2: Tác phẩm trong bài soạn sau nhé! Chúc các em học tập thật tốt và đạt kết quả thật cao trong các kỳ thi quan trọng!