Xin chào các em! Trong chuyên mục soạn văn ngày hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Chiếu cầu hiền.

Đây là một bài chiếu rất hay và nổi tiếng của Ngô Thì Nhậm viết thay vua Quang Trung. Các em hãy cùng tham khảo để chuẩn bị thật tốt cho bài giảng trên lớp của thầy cô nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả: Ngô Thì Nhậm (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả trong SGK Ngữ Văn 11 Tập 1).

2. Tác phẩm

Văn bản Chiếu cầu hiền được Ngô Thì Nhậm viết thay cho vua Quang Trung vào khoảng năm 1788 - 1789. Nhằm thuyết phục sĩ phu Bắc Hà, tức các trí thức của triều đại cũ (Lê - Trịnh) ra cộng tác với triều đại Tây Sơn.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

* Bố cục của bài chiếu: gồm 3 phần:

  • Phần 1: từ đầu -> "ý trời sinh ra người hiền vậy" : Nêu sứ mệnh của kẻ hiền tài.
  • Phần 2: tiếp -> "vì mưu lợi mà phải bán rao" : Lời kêu gọi người hiền và hứa hẹn về những chính sách trọng dụng người hiền của nhà nước.
  • Phần 3: còn lại : Lời bố cáo.

* Nội dung chính của một văn bản "cầu hiền": có những điểm nổi bật như:

  • Người hiền xưa nay luôn cần thiết cho công cuộc trị nước.
  • Cho phép tiến cử người hiền
  • Cho phép người hiền tự tiến cử

Câu 2:

* Bài chiếu được viết hướng đến đối tượng là các sĩ phu Bắc Hà, thứ dân trăm họ nhằm kêu gọi nhân tài ra giúp nước, giúp vua trong công cuộc tái thiết xây dựng triều đại mới.

* Các luận điểm đưa ra để thuyết phục là:

Mở đầu, tác giả sử dụng những câu văn mang tính khích lệ nói về vai trò và sứ mệnh cao cả của người hiền đối với đất nước. Tiếp theo, lập luận tiếp tục được triển khai bằng những lời văn đầy khoan dung thể hiện thái độ cầu thị, trọng dụng người tài của vua Quang Trung. Và cuối cùng, nhà vua kêu gọi những người có tài đức hãy cùng gánh vác việc nước và hưởng phúc lâu dài.

* Những luận điểm trên hoàn toàn phù hợp với đối tượng của bài chiếu.

* Nghệ thuật lập luận của bài chiếu:

  • Sử dụng từ ngữ trang trọng, lời văn mẫu mực
  • Cách lập luận chặt chẽ, khúc chiết kết hợp với tình cảm tha thiết, mãnh liệt và đầy sức thuyết phục
  • Cách bày tỏ thái độ khiêm tốn của người viết

Câu 3:

Tư tưởng và tình cảm của vua Quang Trung:

Qua bài chiếu, ta có thể thấy vua Quang Trung là một người có tầm nhìn xa trông rộng, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng đất nước sau thời kỳ phân li.

Vì lợi ích của đất nước đòi hỏi sự cộng tác của người hiền tài, vua Quang Trung đã bày tỏ rõ thái độ khiêm tốn, thái độ chân thành, thực sự mong muốn sự cộng tác của bậc hiền tài trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.