Xin chào các em! Sau đây, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài. Đây là một trích đoạn trong vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và được biên soạn trong chương trình SGK Ngữ Văn 11 Tập 1. Mời các em cùng tham khảo để chuẩn bị thật tốt cho bài giảng trên lớp của thầy cô nhé!
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả : Nguyễn Huy Tưởng (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Nguyễn Huy Tưởng trong SGK Ngữ Văn 11 Tập 1).
2. Tác phẩm
* Văn bản: Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài được trích trong tác phẩm Vũ Như Tô. Vũ Như Tô là một vở kịch gồm 5 hồi viết về một sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 – 1517 .
* Tác phẩm được viết xong vào mùa hè năm 1941, tựa đề tháng 6 năm 1942
* Tác phẩm là cách nhà văn thể hiện quan điểm của mình về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cường quyền, giữa nghệ sĩ và nhân dân. Có thể nói, đây là một kiệt tác làm nên thành công của Nguyễn Huy Tưởng.
* Tóm tắt:
Nhân vật chính của vở kịch là Vũ Như Tô, là một nhà kiến trúc tài giỏi, một nghệ sĩ có chí lớn, tính tình cương trực, trọng nghĩa khinh tài. Lê Tương Dực, một hôn quân bạo chúa, sai Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi ăn chơi với đám cung nữ.
Vũ Như Tô đã từ chối dù bị đe dọa kết tội tử hình. Song Đan Thiềm, một cung nữ tài sắc nhưng đã bị ruồng bỏ, đã khuyên Vũ nên nhận lời xây dựng Cửu Trùng Đài vì đây là cơ hội để Vũ đem tài ra phục vụ đất nước.
Vũ đã nhận lời và dồn hết sức xây Cửu Trùng Đài. Nhưng Cửu Trùng Đài đã làm cho dân chúng thêm cực khổ. Họ đã nổi dậy. Vũ Như Tô bị giết, Cửu trùng Đài bị thiêu trụi.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Các mâu thuẫn cơ bản của kịch Vũ Như Tô được thể hiện cụ thể trong hồi V:
- Mâu thuẫn thứ nhất: là mâu thuẫn giữa nhân dân lao động khốn khổ lầm than với bọn hôn quân bạo chúa và phe cánh của chúng đang sống xa hoa, trụy lạc. Mâu thuẫn này đã có từ trước, đến khi Lê Tương Dực bắt Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài thì mâu thuẫn càng trở nên căng thẳng.
- Mâu thuẫn thứ hai: là mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu, thuần túy của muôn đời (Cửu Trùng Đài) và lợi ích trực tiếp, thiết thực của nhân dân.
Câu 2:
Tính cách và diễn biến tâm trạng của Vũ Như Tô và Đan Thiềm trong đoạn trích:
a) Vũ Như Tô
* Tính cách:
- Là một người nghệ sĩ tài ba, là hiện thân của niềm khát khao và đam mê nghệ thuật, đam mê cái đẹp và sự sáng tạo
- Là một người nghệ sĩ có nhân cách lớn, có hoài bão và lý tưởng nghệ thuật cao cả
- Ông có những suy nghĩa lầm lạc trong hành động
* Diễn biến tâm trạng của Vũ Như Tô:
- Ông tin rằng mình không có tội, luôn bướng bỉnh và ảo vọng
- Ông đau đớn, bàng hoàng thất vọng khi Cửu Trùng Đài bị phá hủy
=> Vũ Như Tô mới chỉ đứng trên lập trường người nghệ sĩ chứ không đứng trên lập trường của nhân dân, là người tài chứ chưa phải là người hiền tài.
b) Đan Thiềm:
* Tính cách:
- Là người đam mê cái tài, tôn thờ cái tài (thuyết phục Vũ Như Tô, sẵn sàng quên mình để bảo vệ Vũ Như Tô)
- Ông tỉnh táo và thức thời hơn Vũ Như Tô
* Diễn biến tâm trạng:
- Đan Thiềm thấy đau đớn khi nhận ra sự thất bại trong giấc mộng lớn Cửu Trùng Đài, và ông cũng nhiều lần khuyên Vũ Như Tô chạy trốn
- Đau đớn khi không cứu được Vũ Như Tô, vĩnh biệt Cửu Trùng Đài trong máu và nước mắt
=> Đan Thiềm xứng đáng là tri kỉ của Vũ Như Tô. Tuy rằng hiểu đời, hiểu người hơn Vũ Như Tô song vẫn lâm vào bi kịch tinh thần đau đớn.
Câu 3:
Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu, thuần túy của muôn đời và lợi ích thiết thân của nhân dân chưa được tác giả giải quyết dứt khoát. Điều đó được thể hiện ở hồi cuối cùng của vở kịch:
- Quần chúng nổi dậy giết Vũ Như Tô, phá hủy Cửu Trùng Đài
- Vũ Như Tô bị giết nhưng vẫn chưa nhận ra sai lầm của mình
- Vũ Như Tô không đứng về phe Lê Tương Dực nhưng vẫn muốn hoàn thành công trình nghệ thuật nên đã vô tình gây nên nỗi khổ cho nhân dân.
=> Cách giải quyết mâu thuẫn của Vũ Như Tô trong đoạn trích đã phần nào giải quyết được mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Nghệ thuật chân chính phải chú ý đến con người, người nghệ sĩ khi làm nghệ thuật phải chú ý đến điều đó.
Câu 4:
Đặc sắc nghệ thuật của kịch Vũ Như Tô:
- Ngôn ngữ kịch điêu luyện, có tính tổng hợp cao
- Xây dựng nhân vật kịch đặc sắc, khắc họa rõ tính cách, miêu tả đúng tâm trạng qua ngôn ngữ và hành động của nhân vật
- Lớp kịch trong hồi V được chuyển một cách linh hoạt, tự nhiên, logic, liền mạch tạo nên sự hấp dẫn và lôi cuốn người đọc