Xin chào các em! Tiếp tục với chuyên mục soạn văn ngày hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Tự tình - một bài thơ rất hay và nổi tiếng của Hồ Xuân Hương. Bài thơ được biên soạn trong chương trình Ngữ Văn 11 Tập 1. Mời các em cùng tham khảo để chuẩn bị thật tốt cho bài giảng trên lớp của thầy cô nhé!
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả: Hồ Xuân Hương (các em tham khảo phần giới thiệu nhà thơ Hồ Xuân Hương trong SGK Ngữ Văn 11 Tập 1).
2. Tác phẩm:
* Xuất xứ: Bài thơ Tự tình (Bài II) nằm trong chùm thơ Tự tình ba bài của Hồ Xuân Hương.
* Thể thơ: Thất ngôn bát cú đường luật.
* Bài thơ Tự Tình tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Xuân Hương ở nỗi cô đơn, ở niềm khao khát được hạnh phúc, ở tâm trạng uất ức luôn muốn phá vỡ những khuôn khổ chật hẹp của cuộc sống. Trong bài thơ cũng có sự xuất hiện rất rõ ràng và cụ thể hình tượng nhân vật trữ tình. Cái "tôi" cá nhân xuất hiện rất rõ với tâm trạng buồn và cô đơn trĩu nặng.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
* Bốn câu thơ đầu:
- Thời gian: đêm khuya, âm thanh "văng vẳng", trống "canh dồn"
- Không gian: trống trải, mênh mông, rợn ngợp, tĩnh mịch (nghệ thuật lấy động tả tĩnh).
- Lòng người: trơ trọi, từ "trơ" đi liền với "cái hồng nhan" cùng với biện pháp đảo ngữ gợi lên cảm giác xót xa, bẽ bàng.
- Hình ảnh tương phản: Cái hồng nhan >< nước non, đối lập giữa cái nhỏ bé, hữu hạn với cái to lớn, vô hạn.
=> Cho thấy tâm trạng cô đơn, xót xa, bẽ bàng.
- Cụm từ "say lại tỉnh" gợi lên cái vòng luẩn quẩn, càng tô đậm thêm tâm trạng buồn, càng cảm nhận được nỗi đau xót xa của thân phận.
- Hình ảnh "Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn" là hình tượng chứa hai lần bi kịch: trăng sắp tàn (bóng xế) mà vẫn khuyết chưa tròn. Đó chính là sự tương đồng với người phụ nữ.
=> Ngoại cảnh cũng chính là tâm cảnh: Trăng với Người (trăng sắp tàn mà vẫn chưa tròn - Tuổi xuân trôi qua mà hạnh phúc không trọn vẹn).
Câu 2:
Hình tượng thiên nhiên trong hai câu thơ 5 và 6 góp phần diễn tả tâm trạng, thái độ của nhà thơ trước số phận của người con gái:
- Phép đối từng cặp: xiên ngang >< đâm toạc, rêu từng đám >< đá mấy hòn, mặt đất >< chân mây...
- Biện pháp đảo ngữ kết hợp với các động từ mạnh (xiên, đâm,...) thể hiện sự bướng bỉnh, ngang ngạnh của nhà thơ.
- Rêu là một sinh vật yếu mềm và nhỏ bé, đá không cam chịu số phận, bằng mọi cách cố vươn lên những cản trở (mặt đất, chân mây) để chứng tỏ mình. Qua đó, cho ta thấy, đá và rêu như đang oán hờn, như đang phản kháng quyết liệt với tạo hóa.
=> Qua hai câu thơ 5 và 6 đã khẳng định sức sống mãnh liệt, muốn bứt phá khỏi những rào cản để tự đi tìm hạnh phúc cho bản thân của tác giả.
Câu 3:
* Hai câu thơ kết nói lên tâm trạng buồn tủi, chán chường của tác giả:
- Cụm từ: "xuân đi xuân lại lại" có nghĩa là xuân của tự nhiên đã qua đi rồi sẽ trở lại nhưng tuổi xuân của con người đã qua đi thì sẽ không bao giờ trở lại. Từ "lại" thứ nhất là thêm một lần nữa, còn từ "lại" thứ hai lại mang nghĩa trở lại. Mùa xuân thì sẽ trở lại nhưng tuổi xuân thì sẽ trôi đi mãi mãi.
- Nghệ thuật tăng tiến: "mảnh tình -> san sẻ -> tí -> con con", nhấn mạnh sự nhỏ bé dần, sự ít ỏi, sự sẻ chia trong hạnh phúc cuộc đời của Hồ Xuân Hương khiến cho nghịch cảnh càng trở nên éo le hơn: mảnh tình vốn đã ít, đã bé, đã không trọn vẹn lại còn phải "san sẻ", thành ra chẳng còn gì (tí con con) nên càng thấy xót xa, tội nghiệp.
Câu 4:
Bài thơ vừa nói lên bi kịch duyên phận vừa cho thấy khát vọng sống, khát vọng được hạnh phúc của Hồ Xuân Hương.
Bi kịch trong bài thơ Tự tình là bi kịch của tuổi xuân, của duyên phận. Mùa xuân đi rồi mùa xuân lại đến, nhưng tuổi xuân của con người đã trôi qua thì sẽ không bao giờ trở lại được nữa. Hơn nữa, trong cái hoàn cảnh này cùng với sự dở dang của tình duyên lại càng làm tăng thêm nỗi xót xa, đau đớn. Mặc dù rơi vào hoàn cảnh éo le đó, nhưng Hồ Xuân Hương vẫn luôn khao khát được hạnh phúc, luôn mạnh mẽ chống lại sự trớ trêu của số phận.