Xin chào các em! Sau đây, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Người trong bao của tác giả An-tôn Páp-lô-vích Sê-khốp. Tác phẩm được biên soạn trong chương trình Ngữ Văn 11 Tập 2. Mời các em cùng tham khảo nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả: An-tôn Páp-lô-vích Sê-khốp (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả trong SGK Ngữ Văn 11 Tập 2).

2. Tác phẩm

* Hoàn cảnh sáng tác: trong thời gian nhà văn dưỡng bệnh ở thành phố I-an-ta, trên bán đảo Crưm, biển Đen.

* Người trong bao là một phát hiện độc đáo và đặc sắc của tác giả. Đây là câu chuyện cười ra nước mắt về cuộc đời một con người mắc chứng bệnh sợ hãi, sống, chết đều thảm hại,... Tác phẩm không chỉ phản ánh thực trạng xã hội mà còn có ý nghĩa triết lí sâu sắc.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Hình tượng nhân vật Bê-li-cốp:

* Ngoại hình:

  • Gương mặt nhợt nhạt, bé nhỏ, choắt lại như mặt chồn, luôn có cặp kính đen trên khuôn mặt
  • Cách ăn mặc: đi giày cao su, cầm ô khi trời đẹp, mặc áo bành tô, đeo kính râm, lỗ tai nhét bông,...
  • Đồ dùng: cái ô, đồng hồ quả quýt, chiếc dao nhỏ để gọt bút chì,... tất cả đều được để trong bao.

=> Một con người có ngoại hình kỳ quái, lập dị, khác người.

* Tính cách tiêu biểu của Bê-li-cốp:

  • Có khát vọng kì dị, mãnh liệt: "thu mình vào trong vỏ, tạo cho mình một thứ bao có thể ngăn mình khỏi những ảnh hưởng từ bên ngoài".
  • Nhút nhát, ngại giao tiếp
  • Ghê sợ hiện tại nhưng lại ca ngợi tôn sùng quá khứ: say mê và ca ngợi tiếng Hi lạp
  • Máy móc, giáo điều, rập khuôn: phản ứng việc đi xe đạp của 2 chị em Va-ren-ca, thói quen trong quan hệ đồng nghiệp.
  • Là một người cô độc, luôn cảm thấy lo lắng và sợ hãi
  • Luôn cảm thấy thoả mãn và hài lòng với lối sống cổ lỗ, kì quái của mình.

* Lối sống của Bê-li-cốp đã ảnh hưởng đến tinh thần và hoạt động của các giáo viên và người dân thành phố: mọi người đều sợ hắn, cả thầy hiệu trưởng cũng sợ,... cả thành phố đều sợ hắn.

=> Có thể nói, Bê-li-cốp là đại diện cho những chỉ thị, thông tư, là một hiện tượng xã hội đã và đang tồn tại trong cuộc sống của một bộ phận tri thức Nga cuối thế kỷ XIX.

Câu 2:

* Bê-li-cốp chết là vì bị ngã cầu thang do va chạm với Cô-va-len-cô và bị sốc trước thái độ của Va-ren-ca. Nhưng nguyên nhân sâu xa là do hắn lo sợ việc mình bị ngã ở nhà của Va-ren-ca sẽ đến tai ngài hiệu trưởng và ngài thanh tra.

* Tình cảm, thái độ của mọi người đối với Bê-li-cốp:

  • Khi Bê-li-cốp còn sống: sợ hãi, căm ghét, bị ám ảnh bởi con người này.
  • Khi Bê-li-cốp chết: mọi người thờ ơ, cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái. Nhưng một tuần sau, cuộc sống lại trở về như trước kia, mệt mỏi, nặng nề, vô vị.

=> Lối sống trong bao đã ám ảnh, đầu độc không khí trong sạch, lành mạnh của đạo đức, văn hóa và tiến bộ Nga đương thời.

Câu 3:

* Ý nghĩa tư tưởng - nghệ thuật của biểu tượng "cái bao":

  • Nghĩa đen: là một đồ vật dùng để đựng đồ vật.
  • Nghĩa bóng: là lối sống và tính cách của nhân vật Bê-li-cốp
  • Nghĩa biểu tượng: chỉ cuộc sống gò bó, thu hẹp của một kiểu người trong xã hội Nga nửa cuối thế kỉ XIX.

* Chủ đề, tư tưởng của tác phẩm:

  • Lên án, tố cáo mạnh mẽ kiểu người trong bao, lối sống trong bao và tác hại của nó tới hiện tại và tương lai của nước Nga
  • Lời cảnh báo và kêu gọi mọi người cần phải thay đổi cách sống, không thể sống tầm thường, hèn nhát, ích kỉ, vô vị mãi thế được.

Câu 4:

Đặc sắc nghệ thuật của truyện:

  • Nghệ thuật chọn ngôi kể và giọng kể: người kể là người thầy giáo lại là người ở phòng đối diện và người tái hiện lại câu chuyện là nhà văn -> tạo ra tính khách quan, gần gũi. Giọng kể: mỉa mai, châm biếm và kèm bình luận.
  • Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình: qua chân dung, lối sống, tính cách,...
  • Xây dựng hình tượng điển hình "cái bao"
  • Giọng kể trầm tĩnh, bình thản, khách quan nhưng bên trong đầy trăn trở, bức xúc.

Câu 5:

Ý nghĩa thời sự của truyện ngắn Người trong bao:

  • Phản ánh sự bế tắc, trì trệ của xã hội Nga những năm cuối thế kỉ XIX đã sinh ra kiểu người luôn thu mình trong bao.
  • Là tiếng nói đòi hỏi sự thay đổi của xã hội, loại bỏ hoàn toàn lối sống thu mình, ích kỉ, cá nhân
  • Hướng đến một lối sống lành mạnh, hòa đồng với mọi người, sống theo chuẩn mực văn hóa, đạo đức của cộng đồng hiện đại.